Năm 2022, ngành chăn nuôi dần khôi phục, phát triển. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn thấp thỏm trước những biến động của thị trường, trong bối cảnh sản phẩm chăn nuôi đang chịu cảnh mất giá, còn giá thức ăn thì vẫn ở mức cao.
Trong 2 năm (2020 – 2021) và đầu năm 2022, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát đã tạo điều kiện cho lĩnh vực chăn nuôi phục hồi và phát triển. Theo đó, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt 3,87 nghìn tỷ đồng, tăng 6,24% so với cùng kỳ. Đến nay, tổng đàn trâu trong tỉnh có trên 114.500 con, đàn bò gần 90 nghìn con, đàn lợn trên 481,7 nghìn con, đàn dê 52 nghìn con, đàn gia cầm khoảng 9,7 triệu con. Năm qua, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại gia súc, gia cầm đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi tương đối ổn định nhưng vẫn lẻ tẻ xuất hiện một số loại dịch bệnh nguy hiểm như: tụ huyết trùng trên trâu, bò, dịch tả lợn châu Phi, với thiệt hại trên 8 tỷ đồng.
Năm 2022, người chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn khi giá bán gia súc giảm sâu và khó tiêu thụ. Ảnh chụp tại xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn).
Hơn 2 năm trở lại đây, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện Lạc Thủy được coi là điểm sáng trong phát triển chăn nuôi. Với kinh nghiệm đúc kết nhiều năm và những giải pháp được cấp ủy, chính quyền, người chăn nuôi triển khai kịp thời, chăn nuôi trên địa bàn huyện được duy trì và phát triển. Đến hết năm 2022, đàn gia cầm trong huyện có 1,46 triệu con, đàn trâu 5.400 con, đàn bò 6.300 con, đàn lợn 61.000 con, đàn dê 8.000 con và 12,6 nghìn đàn ong. Trên địa bàn huyện hiện có 5 HTX chăn nuôi, 19 trang trại và 250 gia trại. Các HTX, trang trại, gia trại giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động địa phương. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Trong năm 2022, người chăn nuôi nói chung trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Đặc biệt, giá bán các sản phẩm chăn nuôi thế mạnh của huyện như gà Lạc Thủy có thời điểm giảm mạnh, khiến người chăn nuôi bị thua lỗ. Trâu, bò tiêu thụ khó khăn, giá bán giảm mạnh so với những năm trước.
Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chia sẻ: Mặc dù ngành chăn nuôi đã có sự phục hồi và phát triển nhưng người chăn nuôi vẫn gặp không ít khó khăn. Trong năm 2022, giá đầu vào giảm chậm, trong khi giá sản phẩm đầu ra biến động liên tục theo hướng giảm nhanh đã ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi quy mô nhỏ. Cùng với đó là công tác phối hợp, trao đổi thông tin về phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của một số địa phương chưa được quan tâm. Do đó, khi dịch bệnh động vật xảy ra còn chậm cập nhật tình hình ổ dịch, chưa báo cáo kịp thời theo quy định của Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Một số địa phương xảy ra ổ dịch bệnh động vật nhưng không có báo cáo dẫn đến khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Công tác tiêm phòng vật nuôi vẫn hạn chế do còn thiếu về kinh phí và nhân lực.
Như vậy, có thể thấy mặc dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng nhìn chung người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro do biến động của thị trường. Những ngày đầu năm 2023, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thấp thỏm mong chờ thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi dịp Tết sẽ "ấm” dần. Hi vọng, những tín hiệu mở cửa từ các thị trường tiêu thụ lớn sẽ giúp ngành chăn nuôi phát triển mạnh trong năm 2023.
Viết Đào
Nguồn: Báo Hòa Bình