Hiệu quả như nuôi lợn Móng Cái

Với nhiều ưu điểm (dễ nuôi, ít bệnh, đẻ nhiều…) thích hợp nhiều hình thức chăn nuôi, lợn Móng Cái thường được ưu tiên lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình.

Ưu việt

Loại lợn này có nguồn gốc TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tổ tiên lợn Móng Cái là lợn rừng, xuất xứ rừng nhiệt đới châu Á, được dân địa phương đưa về thuần hóa và nuôi tại nhà. Có ý kiến cho rằng, giống lợn này được tạo ra cách nay ít nhất 150 năm. Vùng biển với khí hậu trong lành, giàu thức ăn có lẽ là nhân tố quan trọng trong việc tạo ra giống lợn có màu lông đặc thù đen, trắng và hồng tím. Lợn Móng Cái có 3 loại: xương to, xương nhỡ và xương nhỏ. Những con xương càng nhỏ thì thịt càng thơm ngon. Hiện, những con lợn Móng Cái còn lại chủ yếu là loại xương nhỡ. Thịt thơm ngon, dễ nuôi, đẻ mắn, sai, thân thiện với con người, chịu được kham khổ, chống đỡ bệnh tật tốt, là những ưu việt của lợn Móng Cái.

Hiệu quả mô hình nuôi lợn Móng Cái được nhiều địa phương nhân rộng – Ảnh: CTV

Trong các giống lợn nội như lợn ỉ, lợn Mường Khương, lợn mán… thì lợn nái Móng Cái nhiều ưu điểm nổi trội trong sinh sản. Đây có lẽ là giống lợn đẻ sai nhất, mỗi lứa trung bình 14 – 16 con, kỷ lục đến 20 – 22 con, trong khi các giống lợn khác, kể cả các giống lai cũng chỉ 10 – 12 con/lứa. Lợn nái Móng Cái còn đẻ sớm và đẻ dai. Trong điều kiện chăn nuôi bình thường, lợn nái Móng Cái chỉ cần nuôi 6 – 8 tháng là cho phối giống được và thời gian đẻ có thể kéo dài tới 10 năm, thậm chí lâu hơn. Đây còn là giống lợn đẻ dày, trung bình mỗi năm có thể sinh sản 1,9 – 2,2 lứa.

Lợn Móng Cái cũng có hạn chế là tỷ lệ nạc hơi thấp so với giống khác. Tỷ lệ nạc của thịt lợn do nái Móng Cái lai với đực ngoại chiếm 35 – 38%, nếu do nái F1 phối với đực ngoại cũng chỉ đạt 45%, còn lợn Móng Cái thuần thì chỉ 28 – 29%.

 

Phục hồi và phát triển

Trước đây Móng Cái và ỉ là hai giống lợn nội chính được nuôi và phát triển rộng trong ngành chăn nuôi tại miền Bắc và miền Trung nước ta. Do đặc điểm sinh sản tốt nên từ những năm 1960 – 1970, lợn Móng Cái lan nhanh khắp đồng bằng Bắc bộ làm cho vùng nuôi lợn ỉ bị thu hẹp dần. Từ sau 1975, giống lợn này phát triển đến miền Trung, miền Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp, lợn Móng Cái không còn được nuôi phổ biến.

Nhằm gìn giữ nguồn gen quý này, những năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều động thái tích cực trong việc bảo tồn giống lợn Móng Cái, do hai công ty CP Giống vật nuôi & Cây trồng Đông Triều và Giống vật nuôi Quảng Ninh đảm nhận. Ngay từ năm 2006, Công ty CP Giống vật nuôi & Cây trồng Đông Triều đã đầu tư đàn lợn nái Móng Cái 200 con. Hằng năm, Công ty sản xuất ra 4.400 con lợn giống, trong đó 2.000 con cái hậu bị và 2.400 con đực nuôi thương phẩm. Cùng với việc áp dụng các quy trình kỹ thuật để đảm bảo nuôi giữ nguồn gen, Công ty đã tích cực, chủ động tìm kiếm thị trường, phối hợp với các cơ sở chăn nuôi lớn ở miền Bắc cung cấp giống lợn Móng Cái thuần ra thị trường. Tại Công ty CP Giống vật nuôi Quảng Ninh cũng có đàn lợn Móng Cái 60 con nái giống gốc, hằng năm sản xuất ra 500 con lợn giống để cung cấp cho các địa phương trong tỉnh.

Nhờ những ưu điểm vượt trội, mô hình nuôi lợn nái Móng cái được nhiều tỉnh (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thanh Hóa…) phát triển mạnh. Bà Hà Thị Chấm, thôn Chiềng Ban (xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) cho biết: Lần đầu nuôi lợn nái Móng Cái song lợn dễ nuôi, ít dịch bệnh. Đến nay, gia đình bà đã cho lợn đẻ lứa thứ tư, lợn khỏe, đẻ sai. Ngay sau lứa thứ hai xuất bán được 24 triệu đồng, trung bình mỗi lứa cho thu nhập 12 triệu đồng. Ngoài nuôi lợn đẻ, bà còn để lại lợn con nuôi thịt. Tận dụng nguồn rau sẵn có trong vườn, trộn với cám gạo…; lợn chậm lớn nhưng thịt ngon.

Đây là giống lợn không chỉ thích hợp quy mô trang trại mà còn cho những hộ nuôi gia đình quy mô vừa và nhỏ.

>> Một số giống lợn nội, nhập nội, lai được nuôi ở Việt Nam

Lợn ỉ: Giống lợn địa phương ở miền Bắc, nay ít được nuôi do hiệu quả kinh tế không cao và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Giống lợn ỉ mỡ (còn gọi là lợn ỉ nhăn) thịt ít mỡ nhiều (nạc 36%, mỡ 54%). Nuôi lợn ỉ cả năm cũng chỉ đạt 40 – 50 kg, trong khi giống lợn thịt nuôi sáu tháng đã 70 – 80 kg.

Lợn mán: Lợn mọi, heo mọi hay heo đốm là giống lợn nhỏ được lai giữa lợn nhà và lợn rừng xuất phát từ miền Trung được nuôi thả; thường chỉ nặng khoảng 10 kg, lưng cong, bụng ỏng, thịt săn chắc, ưa sạch sẽ; có thể dùng làm vật nuôi, thú cảnh hoặc làm nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon.

Lợn đen Lũng Pù: Đây là giống lợn bản địa ở Mèo Vạc, đang được nuôi chủ yếu tại 4 huyện trong tỉnh Hà Giang. Lợn đen Lũng Pù có tầm vóc to lớn, nuôi 10 – 12 tháng đạt trọng lượng 80 – 90 kg. Lông đen, dày và ngắn; da thô; tai nhỏ cúp; mõm dài trung bình. Trung bình có 10 vú và bình quân đẻ 1,5 – 1,6 lứa/năm. Giống lợn này có hai loại; một loại 4 chân trắng, có đốm trắng ở trán và mõm; một loại đen tuyền. Đây là giống lợn chiếm tỷ lệ cao nhất và chất lượng tốt nhất so với các giống lợn địa phương khác của Hà Giang.

Lợn Yorkshire: Có nguồn gốc từ vùng Yorkshire nước Anh, hiện lợn được nuôi ở hầu khắp thế giới. Lợn Yorkshire có khả năng thích nghi tốt hơn các giống lợn ngoại khác. Lợn Yorkshire có lông trắng tuyền, tai đứng, trán rộng, ngực rộng, ngoại hình thể chất chắc chắn, nuôi con khéo, chịu được kham khổ, chất lượng thịt tốt, khả năng chống chịu stress cao. Con đực có khối lượng trưởng thành khoảng 300 – 400 kg, con cái 230 – 300 kg.

Lợn Ba Xuyên: Ba Xuyên hay heo bông là giống lợn đen đốm trắng xuất phát vùng Ba Xuyên (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng). Được hình thành từ các giống lợn địa phương lai với lợn Hải Nam, lợn Craonnaise và lợn Berkshire. Lợn Ba Xuyên có khối lượng trưởng thành 120 – 150 kg, đẻ bình quân 8 – 9 con/lứa, nuôi con khéo. Mỡ nhiều, tỷ lệ nạc chỉ 39 – 40%. Chúng thường được dùng làm nái nền để lai với đực ngoại, tạo con lai nuôi thịt thương phẩm.

Anh Vũ
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *