Với đặc tính dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, nguồn thức ăn dễ tìm kiếm, một số hộ nông dân ở xã Thanh Tâm (Thanh Liêm) đã mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi gia súc, gia cầm sang nuôi dê Bo lai (boer) nhốt chuồng. Mô hình này đã mở ra hướng đi mới giúp người nông dân cải thiện nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.
Dù có công việc ổn định, anh Nguyễn Trung Anh (thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm) vẫn quyết định gác lại công việc để đầu tư nuôi dê. Năm 2017, trong một lần đi thăm người quen tại tỉnh Bắc Giang, nhận thấy nhu cầu của thị trường về sản phẩm thịt dê tăng cao, anh đã bắt tay vào dựng chuồng trại nhỏ và nuôi thử 5 con dê. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, sau 7 năm, đàn dê của anh đã phát triển gần 200 con (tính cả dê sinh sản và mua thêm con giống về nuôi). Anh chọn nuôi giống dê Bo lai bởi đặc tính lớn nhanh, khoẻ mạnh hơn dê cỏ thông thường. Hơn nữa, dê cũng là loài dễ nuôi, có thể tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn từ cây cỏ vì vậy chi phí nuôi thấp, nhưng cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chia sẻ về những khó khăn từ ngày đầu khởi nghiệp, anh Trung Anh cho biết: Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc, vì vậy đàn dê phát triển chậm, nhiều con bị bệnh về đường hô hấp, ký sinh trùng, nhất là vào mùa đông, mùa mưa. Để khắc phục tình trạng đó, tôi đã cải tạo lại hệ thống chuồng, nâng cao mặt sàn lên 1 mét để tạo độ thông thoáng, điều chỉnh hướng chăm sóc, sử dụng đầy đủ cách loại vắc – xin tiêm phòng cho dê…
Mô hình nuôi dê nhốt chuồng đã đem lại nguồn thu nhập cao cho hộ gia đình anh Nguyễn Trung Anh (thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm).
Nhờ phương pháp nuôi nhốt chuồng, anh Trung Anh cũng không tốn công trông coi dê như nuôi chăn thả tự do. Vì vậy, giúp anh chủ động thời gian trong khâu chăm sóc. Mỗi ngày anh chỉ mất 1 – 2 giờ đồng hồ chuẩn bị thức ăn cho dê. Theo anh, khẩu phần ăn của đàn dê Bo lai cần bảo đảm 80% là thức ăn xanh (rau, cỏ, lá…) và 20% là thức ăn tinh bột (cám, ngô, sắn…). Chất lượng thức ăn của dê phải bảo đảm khô, sạch thì dê mới phát triển nhanh và ít bệnh. Để có nguồn thức ăn sạch cho đàn dê, anh tìm mua nguồn phụ phẩm nông nghiệp như lá mít, cây ngô, lá mía… Hằng tháng, anh lựa chọn xuất khoảng 7 – 10 con dê giống (18 – 20kg/con) và dê thương phẩm (35 – 40kg/con) cho thương lái trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình, anh còn tạo việc làm cho thêm 3 lao động khác tại địa phương.
Cũng lựa chọn mô hình nuôi dê nhốt chuồng, ban đầu anh Đinh Văn Hợi (thôn Chè Kho Làng) chỉ nuôi 4 con dê giống Bo lai với chi phí khoảng 20 triệu. Dần dần thấy hiệu quả, anh Hợi đầu tư thêm chuồng trại nuôi với quy mô lớn hơn, Đến nay, hộ gia đình anh Hợi phát triển được số lượng đàn dê 40 con.
Anh Hợi chia sẻ: Nuôi dê rủi ro ít, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được đầu vào thức ăn cho dê thì rất dễ bị mắc bệnh. Mặc dù thời gian nuôi vỗ béo ngắn, nhưng đàn dê nào nhập về, anh Hợi cũng tiêm đầy đủ 4 loại vắc-xin gồm, đậu, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm ruột hoại tử. Việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc – xin giúp anh Hợi giữ được đàn đến khi xuất bán, tăng hiệu quả kinh tế đáng kể. Mỗi năm anh Hợi xuất 1 lứa, từ 20 – 30 con, mỗi con nặng từ 30 – 45kg, với giá từ 160 -180 nghìn đồng/kg. Mô hình nuôi dê đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình anh Hợi khoảng 130 triệu đồng/năm.
Hiện nay trên địa bàn xã Thanh Tâm có 5 hộ tham gia nuôi dê Bo lai nhốt chuồng. Thực tế cho thấy, mô hình nuôi dê nhốt chuồng ở xã Thanh Tâm phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, do không tốn nhiều diện tích, không những vậy, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế đem lại cao. Theo đồng chí Đỗ Mạnh Cường, Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Tâm, đây là mô hình tiêu biểu có triển vọng phát triển và đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân.
Thời gian tới, xã Thanh Tâm tiếp tục tạo mọi điều kiện hỗ trợ nông dân vay vốn mở rộng quy mô chuồng trại, mua thêm vật tư, con giống phát triển hơn nữa đàn dê để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Thành công từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân xã Thanh Tâm, đồng thời góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp của địa phương.
Bùi Linh
Nguồn: Báo Hà Nam