(Người Chăn Nuôi) – Bộ NN&PTNT vừa trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai hiệu quả.
Nghị định cũ không còn phù hợp với thực tế
Thời gian qua, đã có nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn, đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ sớm có quy định mới về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật sát với thực tiễn và khả thi hơn, bởi hiện nay mức hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ đang thấp hơn nhiều so với ngày công lao động phổ thông, nên khó huy động nguồn nhân lực tham gia triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch, đặc biệt là những người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước (hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng và tai xanh với mức 100.000 đồng/người/ngày làm việc; 200.000 đồng/người/ngày nghỉ).
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ này lại không áp dụng đối với dịch bệnh động vật khác, bệnh mới xuất hiện tại nước ta như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, dại, nhiệt thán…; chưa có quy định về chính sách hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật.
Cán bộ thú y tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Ảnh: ST
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người trực tiếp tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở hiện nay rất ít, trong khi khối lượng công việc lại rất lớn, vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng do nhiều mầm bệnh lây sang người. Không chỉ vậy, chính quyền địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật.
Trong khi đó, việc thực hiện Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh còn có những khó khăn, tồn tại, bất cập, như: Đối tượng hỗ trợ chưa bao gồm các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều kiện hỗ trợ rất khó khả thi do phải có kê khai ban đầu, nhưng thực tế phần lớn người chăn nuôi chưa thực hiện và điều quan trọng nhất là mức hỗ trợ chưa phù hợp. Cụ thể, đối với gia súc, gia cầm bị thiệt hại đang được quy định hỗ trợ theo khung giá tiền đối với từng loại. Vì vậy, nếu hỗ trợ ở mức thấp nhất của khung sẽ thấp hơn nhiều so với giá đầu vào sản xuất hiện nay (con giống, thức ăn, thuốc thú y…) hoặc so với giá thực tế dẫn đến trường hợp người dân bán chạy gia súc, gia cầm khi dịch bệnh xảy ra.
Thực tế, các địa phương áp mức hỗ trợ khác nhau cho cùng một loài vật nuôi, vì vậy người dân giáp ranh đã vận chuyển động vật bị bệnh sang tỉnh có mức hỗ trợ cao hơn, làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể trình tự, thủ tục hỗ trợ phức tạp, không phù hợp thực tế, nên sau khi dịch bệnh động vật kết thúc nhiều tháng, nhiều năm vẫn không nhận được hỗ trợ, gây bức xúc cho người chăn nuôi và dẫn tới việc không báo cáo, không hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh…
Đột phá về chính sách
Việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật; tạo hành lang pháp lý thông suốt, thống nhất, đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, sức khỏe, tính mạng người dân và an toàn môi trường.
Quy định mới cũng giúp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, bất cập trong hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, hỗ trợ để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do dịch bệnh; quy định rõ, công khai, minh bạch trình tự, thủ tục, mức, đối tượng hỗ trợ, thuận lợi cho người dân khi triển khai thực hiện và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Sau hơn một năm xây dựng dự thảo Nghị định, trải qua nhiều lần lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, đơn vị có liên quan, ngày 5/01/2025, Bộ NN&PTNT đã có tờ trình lên Chính phủ về việc ban hành Nghị định. Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương và 16 Điều.
Liên quan đến các đối tượng được hỗ trợ, dự thảo Nghị định kế thừa quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP về đối tượng hỗ trợ cơ sở sản xuất là các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh và bổ sung nhóm đối tượng là các cơ sở sản xuất thuộc lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhỏ và vừa và đơn vị sự nghiệp công.
Đáng chú ý, các mức hỗ trợ thiệt hại được đưa ra tại dự thảo Nghị định dựa trên khảo sát về chi phí chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực tế hiện nay, có tính đến mức trượt giá, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và trên nguyên tắc “nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, không đền bù thiệt hại”. Vì vậy, so với Nghị định số 02, mức hỗ trợ tăng từ 1,5 – 2 lần.
Đối với người tham gia phòng, chống dịch bệnh, dự thảo Nghị định quy định mức hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh theo 2 đối tượng người không hưởng lương và người có hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các mức hỗ trợ đối với người không hưởng lương được xây dựng phù hợp với mặt bằng tiền công lao động phổ thông hiện nay.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định chỉ có 2 thủ tục hành chính (TTHC), bao gồm: 01 TTHC thay thế thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP: Hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh động vật (Điều 9 dự thảo Nghị định); 1 TTHC mới (nội bộ): Hỗ trợ người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đảm bảo sự đơn giản, công khai, minh bạch, dễ thực hiện; phân định rõ trách nhiệm của từng cấp trong việc giải quyết TTHC.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long khẳng định, so với các chính sách trước về hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, gia súc gia cầm, dự thảo Nghị định mới hỗ trợ cả các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có động vật, sản phẩm động vật buộc phải tiêu hủy, bị thiệt hại do dịch bệnh động vật; hỗ trợ người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật, bởi khi dịch bệnh xảy ra, nguy cơ không trừ bất kỳ trang trại nào, kể cả của doanh nghiệp và lực lượng vũ trang.
“Trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh là giống nhau, do đó quyền lợi hưởng hỗ trợ cũng cần được như nhau, bảo đảm công bằng trong áp dụng pháp luật”, Cục trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Theo dự thảo, mức hỗ trợ đối với người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật dự kiến được phân bổ như sau:
Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật được hỗ trợ 400.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc; 500.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.
Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được phân công, huy động tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật được hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc; 300.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.
Trâu, bò, ngựa, dê hỗ trợ 50.000 đồng/kg hơi; lợn hỗ trợ 40.000 đồng/kg hơi; gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu hỗ trợ 35.000 đồng/kg hơi…
Minh Khuê
(Tổng hợp)