Đồng Nai: Không để dịch tả heo châu Phi lây lan

Ngày 7-10-2023, Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh đã tổ chức tiêu hủy 85 con heo bị dịch tả heo châu Phi tại cơ sở thu mua heo Lương Hữu Điền ở xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc. Hiện tỉnh đang triển khai các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng, hạn chế tối đa thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Đồng Nai có tổng đàn heo lớn nhất cả nước nên để dịch tả heo châu Phi lan rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn. Vừa qua, đoàn công tác Chi cục Thú y vùng VI đã làm việc với Đồng Nai về công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Tình hình dịch bệnh phức tạp

Theo bà Lương Thị Thùy Trang, đại diện cơ sở thu mua heo Lương Hữu Điền cho biết, toàn bộ số heo được cơ sở mua từ trang trại nuôi gia công của các công ty chăn nuôi lớn, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng; cơ sở có giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Có 85 con heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi là heo còi không đủ chuẩn xuất bán nên được cơ sở nhốt nuôi riêng. Khi có thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả heo châu Phi, cơ sở tạm ngưng nhập những lứa heo mới và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định như vệ sinh, khử trùng, tiêu độc toàn bộ trại nuôi nhốt.

Đoàn công tác Chi cục Thú y vùng VI

Đoàn công tác Chi cục Thú y vùng VI kiểm tra hoạt động của cơ sở thu mua heo Lương Hữu Điền (H.Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên

Ông Lại Văn Đôn, Trưởng trạm Chăn nuôi – thú y H.Xuân Lộc cho biết, khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi tại cơ sở thu mua heo Lương Hữu Điền, trạm đã thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch như: yêu cầu cơ sở phải thực hiện cách ly ngay động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh; không giết mổ, mua bán, vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường. Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Không nhập heo mới vào cơ sở cho đến khi xử lý hết số heo trong cơ sở thu mua. Với những heo khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa mắc bệnh, khi lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính thì được vận chuyển để tiêu thụ tại địa bàn cấp tỉnh.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 5 cơ sở và 1 trang trại chăn nuôi; 1 điểm thu mua heo trên địa bàn 7 xã thuộc 6 huyện và TP.Long Khánh. Tổng số bị tiêu hủy là 318 con heo bệnh và heo chết, trọng lượng hơn 20,2 tấn.

Tăng cường phòng dịch

Ông Lại Văn Đôn, Trưởng trạm  Chăn nuôi – thú y H.Xuân Lộc cho biết thêm, khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi trên địa bàn, UBND xã Xuân Hiệp cũng đã thực hiện đồng loạt các giải pháp phòng dịch như tổ chức tiêu hủy động vật trong ổ dịch; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực buôn bán động vật; tổ chức kiểm soát vận chuyển động vật ra, vào ổ dịch bệnh; tuyên truyền phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

Về làm việc tại Đồng Nai, đoàn công tác Chi cục Thú y vùng VI yêu cầu, Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai rà soát lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; tập trung công tác kiểm tra để sớm phát hiện và xử lý nhanh nếu có ổ dịch mới phát sinh, kiểm soát không để lây lan ra diện rộng; tuyên truyền để người chăn nuôi ý thức thực hiện triệt để công tác an toàn vệ sinh dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh thông tin, từ đầu năm đến nay việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh trên đối tượng vật chăn nuôi nhỏ lẻ được quan tâm. Toàn tỉnh đã lấy 1.223 mẫu xét nghiệm và không phát hiện mầm bệnh. Tại các trang trại chăn nuôi cũng lấy 3.165 mẫu huyết thanh để xét nghiệm lưu hành virus, kết quả không phát hiện mầm bệnh trong các mẫu xét nghiệm trên.

Riêng công tác phòng dịch tả heo châu Phi, chỉ tính riêng từ đầu tháng 9-2023 đến ngày 9-10-1023, Phòng thí nghiệm của Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh đã thực hiện xét nghiệm 369 mẫu, phát hiện 18 mẫu dương tính dịch tả heo châu Phi.

Theo ông Giang, khó khăn hiện nay là tình hình dịch tả heo châu Phi đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Trong khi đó, người chăn nuôi chưa áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cộng với khi có dịch bệnh xảy ra người dân không chủ động khai báo, tự xử lý hoặc bán chạy, nên nguy cơ phát sinh dịch trên địa bàn cao.

>> Theo Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh, hiện chưa có quy định về nguồn gốc động vật nhập vào cơ sở thu gom; chưa có quy định về phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở thu gom. Đối với cơ sở thu gom động vật đến nay chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, vì vậy việc đánh giá điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở thu gom động vật còn gặp nhiều khó khăn.

Bình Nguyên

Nguồn: Báo Đồng Nai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *