(Người Chăn Nuôi) – Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, hiện nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Cụ thể, tính từ đầu năm 2025 đến ngày 17/3, cả nước xảy ra 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh, thành phố với gần 18.000 con gia cầm mắc bệnh và gần 19.000 con gia cầm buộc tiêu hủy; 75 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 21 tỉnh, thành phố với gần 4.900 con lợn mắc bệnh và hơn 5.000 con chết, tiêu hủy. Hiện có 21 ổ dịch tại 13 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; 9 ổ dịch lở mồm long móng tại 7 tỉnh, thành phố với 195 gia súc mắc bệnh và 34 gia súc chết, tiêu hủy; 11 ổ dịch viêm da nổi cục tại 4 tỉnh, thành phố với 27 gia súc mắc bệnh và 9 gia súc chết, tiêu hủy (hiện có 4 ổ dịch tại 2 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; 46 ca bệnh dại trên động vật tại 22 tỉnh, thành phố (hiện có 13 ổ dịch tại 10 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày). Dịch bệnh tai xanh vẫn được kiểm soát tốt.
Chăn nuôi an toàn sinh học sẽ góp phần quan trọng kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: ST
So với cùng kỳ năm ngoái, số ổ dịch cúm gia cầm giảm hơn 33% (4 địa phương có báo cáo ổ dịch so với 6 địa phương cùng thời kỳ năm 2024). Đối với dịch tả lợn châu Phi, giảm cả về diện dịch (số tỉnh có dịch giảm 30%, số ổ dịch giảm hơn 61%) và mức độ thiệt hại (số lợn chết và tiêu hủy giảm 18,12%). Đối với dịch lở mồm long móng, giảm cả về diện dịch (số ổ dịch giảm hơn 70%, số động vật mắc bệnh, chết và tiêu hủy giảm 64 – 80%). Đối với viêm da nổi cục giảm về mức độ thiệt hại, số động vật mắc bệnh giảm 82,35%, số động vật chết và tiêu hủy giảm hơn 87%.
Đến nay, cả nước có 3.676 cơ sở, vùng được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh tại 59 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh, 63 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, 177 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và 3.434 cơ sở an toàn dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành 4 văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo về việc: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, chấn chỉnh công tác báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn và rà soát tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi; Triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2025; Tăng cường phòng, chống dịch bệnh và khẩn trương tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi (Văn bản số 83/BNNMT-CNTY ngày 14/03/2025). Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát tổ chức triển khai thực hiện 06 Chương trình, Kế hoạch quốc gia. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng Kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm năm 2025.
Cục Chăn nuôi và Thú y nhận định, thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao do mầm bệnh lưu hành trên đàn vật nuôi và ngoài môi trường còn khá cao, ở phạm vị rộng. Trong khi đó, tổng đàn vật nuôi lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao; giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine còn thấp.
Minh Khuê