“Chăn nuôi quy mô nhỏ vùng Tây Bắc cần thay đổi để phát triển”

(Người Chăn Nuôi) – Đây ý kiến của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung tại Hội thảo “Đề xuất phát triển các hệ thống canh tác trồng trọt – chăn nuôi quy mô nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu, theo định hướng thị trường và bền vững, phù hợp với chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” tại vùng Tây Bắc Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 5/12/2023 tại Hà Nội.

Đề xuất phát triển các hệ thống canh tác trồng trọt - chăn nuôi quy mô nhỏ

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại Hà Nội sáng 5/12/2023.

Vùng Tây Bắc có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều tiểu vùng sinh thái nông nghiệp với tính đa dạng sinh học cao, quỹ đất lớn và có tiềm năng phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Chính phủ, nông nghiệp vùng Tây Bắc nói chung trong những năm vừa qua đã có nhiều thay đổi tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng. 

Tuy nhiên, sự phát triển này chưa đồng đều, vẫn còn nhiều tỉnh chưa phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân là do những hạn chế về cơ sở hạ tầng, địa hình chia cắt, phương thức canh tác chậm thay đổi và chịu nhiều tác động bất lợi từ các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa, lũ, khô hạn, sương muối, rét đậm kéo dài do biến đổi khí hậu với tần suất và cường độ ngày càng tăng. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đánh giá: Quy mô chăn nuôi vùng Tây Bắc hiện nay vẫn còn khá nhỏ lẻ, nặng về tập quán thả rông, chưa chủ động được thức ăn và nguồn giống. Mặc dù chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) được coi là là thế mạnh của vùng nhưng phát triển chưa bền vững, tỷ lệ trâu, bò chết rét, chết dịch hàng năm vẫn khá cao. 

Thứ trưởng Hoàng Trung

Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng “Để phát triển nhanh hơn, nông nghiệp Tây Bắc cần có đột phá trong giai đoạn tới”.

Để thúc đẩy nông nghiệp Tây Bắc phát triển nhanh hơn và tạo đột phá trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng khu vực này cần đặc biệt ưu tiên cải thiện hoạt động nghiên cứu; Xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động, ứng dụng thực hành nông nghiệp xanh bền vững, tuần hoàn, được triển khai và nhân rộng; Chăn nuôi quy mô nhỏ vùng Tây Bắc cần thay đổi để phát triển và thêm nhiều các sáng kiến nghiên cứu mới hơn nữa, qua đó giúp tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho nông dân, gắn sản xuất với thị trường.

Để thực hiện được những điều này, ông Nguyễn Trọng Tuyển, đại diện Cục Chăn nuôi, đề xuất: Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về chăn nuôi. Bên cạnh đó, địa phương nên lồng ghép các chương trình khuyến nông tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, xử lý, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, cần có sự chuyển dịch chăn nuôi tập trung, chăn nuôi an toàn sinh học; Có chính sách bảo vệ, bảo hộ người sản xuất vừa và nhỏ, đặc biệt là xây dựng và phát triển các chuỗi hàng hóa; Tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới góp phần tăng hiệu suất chăn nuôi và ít phát thải.

Chia sẻ kinh nghiệm của Australia, Giáo sư Michael Bell, Đại học Queensland, cho biết: Australia từng gặp vấn đề như Việt Nam khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn. Ngành nông nghiệp Australia đã tập trung cải thiện chất lượng thức ăn thô xanh, sử dụng nhiều cây họ đậu hay thêm thức ăn ủ chua vào những vùng có sản lượng cao. “Phát thải khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 14% tổng lượng phát thải của Australia. Tỷ lệ này được giữ ổn định suốt 20 năm qua tại Australia. Để duy trì được điều đó, Australia thực hiện các phương pháp quản lý chặt chẽ sức khỏe, khả năng sinh sản của vật nuôi; cho gia súc ăn nhiều thức ăn từ cây họ đậu (cây keo dậu, cỏ linh lăng, cây đậu tằm, cây điền keo), đồng thời sử dụng thực phẩm bổ sung như dầu, tannins”, Giáo sư Michael Bell cho biết thêm. 

Giáo sư Michael Bell, Đại học Queensland

Giáo sư Michael Bell, Đại học Queensland chia sẻ kinh nghiệm phát triển chăn nuôi tại Australia.

Cũng tại Hội thảo, nhiều tham luận liên quan đến mô hình giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cũng được các diễn giả trình bày chi tiết. Đây là cơ sở để ngành chăn nuôi Việt Nam có thêm giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại và hạn chế hiện nay. 

Thùy Khánh 

(Bài và ảnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *