Chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa mưa

Trong mùa mưa, đặc biệt là những ngày mưa bão nhiều đây là yếu tố bất lợi ảnh hưởng xấu đến sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm. Mưa, bão có thể gây ra ngập úng cục bộ hoặc trên diện rộng tạo điều kiện thuận lợi dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa mưa bão nhằm tăng sức chống chịu với yếu tố bất lợi của thời tiết là rất cần thiết.

Để phòng, chống dịch bệnh, tăng sức đề kháng của gia súc, gia cầm người chăn nuôi cần tuân thủ theo một số nguyên tắc quan trọng: về chuồng trại; chăm sóc, nuôi dưỡng và công tác thú y.

Về chuồng trại: vị trí xây dựng chuồng nuôi nên chọn nơi cao ráo, thoáng mát; chuồng trại phải chắc chắn, chống dột, ngập lụt, có tấm che chắn tránh mưa tạt, gió lùa.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống thoát nước chung của cả khu vực đặc biệt phải cải tại hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm khi mưa to hoặc ngập lụt. Khu chứa chất thải (phân, rác và nước thải,…) phải cuối hướng gió, xa chuồng nuôi, vị trí thấp và xa nguồn nước ngầm, xa khu dân cư,…

Nên có hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi, định kỳ rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi. Tiến hành phun thuốc sát trùng, tiêu độc định kỳ bằng các thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh một cách chủ động nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho vật nuôi.

Về chăm sóc, nuôi dưỡng: con giống được chọn từ nơi có uy tín, đáng tin cậy, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mật độ nuôi phải phù hợp với số lượng, đặc tính, lứa tuổi. Thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với giống, lứa tuổi và mục đích sản xuất của từng loại gia súc, gia cầm. Nâng cao sức đề kháng nhằm phòng, chống lại các tác động bất lợi của thời tiết, hạn chế dịch bệnh phát sinh bằng cách thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, acid amin, men tiêu hóa vào thức ăn và nước uống. Thức ăn dự trữ cần bảo quản nơi thông thoáng, cao ráo để tránh ẩm và nấm mốc. Thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học để giúp đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt; tăng sức đề kháng như: vitamin C; B. Complex; thảo dược; Multisol,… liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Về công tác thú y: tạo môi trường chăn nuôi luôn khô ráo, sạch sẽ, thông thoáng, mát mẻ. Hằng ngày phải quét dọn, vệ sinh sạch sẽ khu vực trong và ngoài chuồng nuôi. Thường xuyên kiểm tra đàn vật nuôi phát hiện sớm những bất thường như uể oải, ủ rũ, kém ăn, sốt; kiểm tra lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ hàng ngày để biết được tình trạng sức khỏe. Cách ly và điều trị kịp thời những vật nuôi có biểu hiện bất thường, biểu hiện bệnh.

Không giấu dịch; không bán tháo, bán chạy gia súc, gia cầm đã bệnh hoặc chết; không vận chuyển và sản phẩm gia súc bị bệnh; không tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm bị bệnh, chết; không thải xác động vật chết ra ngoài môi trường,… Tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh của cơ quan thú y tại địa phương.

Chủ động phòng bệnh bằng vắc-xin, tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, đúng quy trình các bệnh nguy hiểm, phổ biến thường xảy ra trên gia súc như: lở mồm long móng; viêm da nổi cục; tụ huyết trùng, dịch tả heo châu Phi,… trên gia cầm như: dịch tả, cúm gia cầm, tụ huyết trùng, hô hấp mãn tính, Gumboro, E.coli,…

ThS. LƯU VĂN PHÚC

Nguồn: Báo Trà Vinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *