Nhân rộng mô hình nuôi bồ câu Pháp sinh sản

Từ một mô hình thử nghiệm thành công được nhiều người quan tâm, làm theo, năm 2020, Hội Nông dân xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Định), thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản ở thôn 4 với 7 thành viên. Hai năm sau, Hội phát triển lên thành tổ hợp tác với 12 thành viên. Nhờ mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình, việc nuôi chim bồ câu Pháp đang phát triển mạnh ở Bình Nghi và vùng lân cận.

Trước đây, anh Nguyễn Văn Thịnh ở thôn 4 xã Bình Nghi có nuôi bò, heo nhưng không thành công lắm. Năm 2020, được Hội Nông dân xã giới thiệu kỹ thuật chăn nuôi chim bồ câu Pháp, cung cấp giống… anh nuôi thử 130 cặp chim bồ câu ở khu chuồng rộng khoảng 100 m2. Nuôi được một thời gian, thấy loài chim này phù hợp với điều kiện địa phương, dễ nuôi, nhanh lớn, lợi nhuận khá cao, lại ổn định nên anh quyết định mở rộng quy mô, tham gia tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản.

Nuôi chim bồ câu Pháp

Nuôi chim bồ câu Pháp thu nhập khá nên anh Nguyễn Văn Thịnh quyết định đầu tư mở rộng quy mô trang trại để nuôi nhiều hơn. Ảnh: V.M.H

Anh Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Hiện nay, tôi đã đầu tư nâng cấp khu chuồng nuôi, lắp đặt hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống hoàn toàn tự động; mua sắm thêm các loại máy móc như máy xay xát gạo lứt, máy nghiền bắp, máy ấp trứng… Hiện nay, riêng chim giống tôi đã nuôi tới 350 cặp; cơ sở của tôi cung cấp nhiều loại chim bồ câu Pháp, từ chim ra ràng (18 – 23 ngày tuổi, giá  80.000 – 100 nghìn đồng/cặp); chim giống (35 – 60 ngày tuổi, giá 200 nghìn đồng – 250 nghìn đồng/cặp); chim đủ tuổi sinh sản (giá từ 350 nghìn đồng – 450 nghìn đồng/cặp). Nhờ vậy, hằng tháng tôi thu về khoảng 22 triệu đồng. Tới đây, tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô trang trại để có thể nuôi 500 cặp bồ câu.

Được biết, anh Thịnh cũng như các thành viên của tổ hội nghề nghiệp rất nhiệt tình trong việc chuyển giao kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp, thiết lập khu nuôi phù hợp. Riêng anh Thịnh còn hợp tác với DN gia công cơ khí sản xuất phụ kiện phục vụ việc nuôi chim như máng ăn, uống, lồng nuôi… cung cấp cho bà con. Điều này góp phần giảm chi phí đầu tư cho người bắt đầu nuôi chim câu ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, tổ trưởng tổ hợp tác nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản thôn 4, chia sẻ: Tôi đang nuôi 100 cặp chim giống, ngoài ra còn kinh doanh thức ăn cho chim bồ câu, thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Ban đầu tổ hội nghề nghiệp chỉ có 7 hộ/500 cặp chim. Nhận thấy lĩnh vực này sinh lợi tốt, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã hỗ trợ 200 triệu đồng để 5 hộ trong tổ vay mở rộng quy mô. Hiện tại, với quy mô tổ hợp tác chúng tôi có 12 thành viên/2.000 cặp chim. Không chỉ phát triển về quy mô, việc tham gia tổ hợp tác có nhiều cái lợi. Chúng tôi dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết, biến kỹ thuật nuôi chim thành vốn quý chung và cùng nhau làm cho nó phong phú hơn. Hơn nữa, với mô hình tổ hợp tác, không những chúng tôi có thể liên kết để tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, mà đề xuất của chúng tôi lên chính quyền, Hội Nông dân huyện cũng dễ được đáp ứng hơn.

Hiện nay, thịt chim bồ câu ra ràng rất được ưa chuộng, việc tiêu thụ ổn định. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, một thương lái chuyên mua gom chim bồ câu Pháp, cho biết: Chim bồ câu Pháp là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, được nhiều nhà hàng, quán ăn đưa vào thực đơn nên nhu cầu thường xuyên khá cao, nhiều lúc không đủ số lượng cung cấp. Chim bồ câu Pháp ở Bình Nghi nói riêng cũng như của huyện Tây Sơn nói chung có chất lượng cao, được tiếng là thịt sạch, để có đủ hàng tôi thường phải đến tận hộ chăn nuôi mua gom.

Ông Nguyễn Kim Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nghi, cho biết thêm: Hiện nay, chim bồ câu Pháp ra ràng của bà con ở địa phương được người tiêu dùng tại nhiều nơi trong tỉnh tín nhiệm, ngoài ra, còn được tiêu thụ khá mạnh tại một số tỉnh, thành khác như: Gia Lai, Kon Tum, Nha Trang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa… Mức tín nhiệm cao nên thương lái không chỉ mua chim câu sống mà còn mua cả chim đã được mổ, cấp đông. Nhìn chung, trong khoảng 2 năm gần đây, chim câu của Bình Nghi chưa bao giờ bị ế, nhờ đó người chăn nuôi đạt thu nhập khá.

Để hỗ trợ nông dân phát triển việc nuôi bồ câu Pháp sinh sản, huyện Tây Sơn và hội nông dân các cấp tích cực phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức nhiều lớp đào tạo sơ cấp nghề, chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ những hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống. Nhờ đó, riêng tại xã Bình Nghi hiện đã có hơn 100 hộ nuôi chim bồ câu Pháp, thu nhập ổn định từ 4 triệu đồng đến 25 triệu đồng/hộ/tháng. Gần đây, nhiều nông dân từ một số xã khác như Tây Phú, Tây Giang đã đến tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm và đề nghị được chuyển giao kỹ thuật nuôi chim.

Ông Huỳnh Thanh Danh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện chia sẻ: Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản là một trong những mô hình mang lại hiệu quả tốt nhất của huyện Tây Sơn. Để nhân rộng mô hình, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con nhiều hơn, từ kỹ thuật đến tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng CSXH huyện.

Võ Mỹ Hạnh

Nguồn: Báo Bình Định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *