Cao Bằng: Giá thức ăn tăng cao – thêm sức ép cho ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi của tỉnh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, thêm vào đó là giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi giá đầu ra sản phẩm giảm, thị trường tiêu thụ thu hẹp. Điều này đã và đang gây sức ép lớn lên ngành chăn nuôi.

Là hộ chăn nuôi nhiều năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, anh Nguyễn Tiến Dũng, xóm 2, xã Vĩnh Quang (Thành phố) đã chuyển sang nuôi gia cầm với trên 3.000 con gà, ngan, vịt. Anh Dũng cho biết: Mặc dù đã chuyển đổi mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, nhưng tôi liên tiếp gặp khó khăn do nguy cơ bệnh cúm gia cầm độc lực cao type A/H5 bùng phát, thêm vào đó là từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ hẹp do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Anh Nguyễn Tiến Dũng, xóm 2, xã Vĩnh Quang (Thành phố) chăm sóc đàn gà đang trong giai đoạn xuất bán.

Để duy trì sản xuất, một phần tôi vẫn phải dùng cám công nghiệp, phần còn lại tôi tìm mua các nguyên liệu sẵn có tại địa phương như ngô, cám gạo…, rồi tự tìm cách phối trộn, tạo ra thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn phát triển để giảm khẩu phần thức ăn chăn nuôi, mong giảm được chi phí.

Anh Trương Trí Tuệ, xóm 5, xã Chu Trinh (Thành phố) nuôi từ 1.000 – 1.500 con gà ri lai/lứa, trọng lượng hiện tại đạt khoảng từ 2 – 2,5 kg/con, chia sẻ: Trung bình mỗi đợt, gia đình tôi nhập khoảng 100 bao cám, với giá cám tăng từ 40 – 60 nghìn đồng/bao 25 kg như hiện nay thì tôi phải mất thêm chi phí khoảng 5 – 6 triệu đồng/lần nhập, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập.

Trong khi thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống đóng cửa; thương lái chỉ thu mua cầm chừng nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, gia đình tôi chỉ bán gà tại các chợ phiên, giá bán giảm từ 10 – 20 nghìn đồng/kg. Đợt nuôi 1.500 con/lứa, gia đình tôi phải tiêu thụ trong một tháng, dẫn đến tăng chi phí đầu tư chăn nuôi lên cao, gây khó khăn trong việc quay vòng sản xuất.

Không chỉ hộ chăn nuôi gia cầm bị ảnh hưởng mà các hộ chăn nuôi lợn, trâu, bò vỗ béo cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Đã có nhiều hộ bỏ trống chuồng trại hoặc chăn nuôi cầm chừng. Anh Tô Vũ Cử, xóm Cốc Lùng, xã Đức Long (Hòa An) cho biết: Trang trại của gia đình tôi được xây dựng với quy mô lớn, nhưng trước tình hình dịch bệnh và giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, gia đình tôi chỉ dám duy trì nuôi 40 con bò vỗ béo và trên 40 con lợn thịt.

Nguồn thức ăn sử dụng chính cho chăn nuôi là cám công nghiệp của Công ty cổ phần Tập đoàn RTD và Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên. Qua theo dõi, từ tháng 11/2020 đến ngày 25/7/2021, giá thức ăn chăn nuôi trên địa bàn đã tăng 10 lần, lần tăng cao nhất 10 nghìn đồng/bao cám 25 kg. Giá thức ăn chăn nuôi tăng là vậy nhưng giá lợn hơi bán ra thị trường hiện giảm chỉ còn 55 nghìn đồng/kg thay vì 95 nghìn đồng/kg như trước.

Giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua liên tục tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi.

 

Qua khảo sát trên thị trường tỉnh, giá các loại thức ăn chăn nuôi đều tăng mạnh. Tổng cộng đã có 10 đợt tăng giá kể từ tháng 11/2020 đến nay, với mức tăng từ 20 – 40% so với trước đó; trung bình cứ 2 tuần, giá thức ăn chăn nuôi tăng 1 lần, giá tăng cao nhất là 10 nghìn đồng/bao/lần, còn lại tăng trung bình từ 5 – 6 nghìn đồng/bao/lần. Theo các cửa hàng, đại lý buôn bán thức ăn chăn nuôi, nguyên nhân tăng là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 làm giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng, cùng với đó là chi phí phục vụ sản xuất và chi phí vận chuyển cũng tăng.

Anh Nguyễn Bá Tuyên, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi Hà Tuyên, thị trấn Nước Hai (Hòa An) cho biết: Nhiều năm liền làm đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi cho các hãng Con Cò, Nam Việt, Hòa Phát, AF… nhưng chưa bao giờ tôi thấy giá cám tăng mạnh như hiện nay và hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, đại lý của tôi đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ chăn nuôi như tư vấn người mua lựa chọn sản phẩm có giá cả phù hợp, cho chậm trả, trả quay vòng… Song, sức mua vẫn giảm khoảng 40%, cụ thể, trước đây gia đình tôi bán được khoảng 70 tấn/tháng thì nay chỉ còn bán được khoảng 30 – 40 tấn/tháng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dự báo trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tiếp tục tăng cao. Người chăn nuôi cũng như các đại lý cung cấp sẽ tiếp tục còn gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm phương án cân đối chi phí trong sản xuất. Vì thế, hơn lúc nào hết, người chăn nuôi cần chủ động hơn nữa trong việc lựa chọn thức ăn chăn nuôi cho phù hợp, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất; cân nhắc trong việc mở rộng quy mô đàn; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh…

Các công ty thức ăn chăn nuôi cần có chính sách hỗ trợ giá cho người chăn nuôi. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, giá cả thức ăn chăn nuôi, quan tâm hơn tới các hộ chăn nuôi về vốn vay, giảm lãi suất, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, tăng cường tiêu độc khử trùng… để người dân yên tâm sản xuất.

Thái Hà

Nguồn: Báo Cao Bằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *