Gìn giữ và phát triển giống lợn bản địa Táp Ná

Lợn Táp Ná, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) là một trong những giống lợn bản địa đặc sản, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống lợn địa phương của tỉnh. Huyện Hà Quảng đang tìm hướng đi phù hợp để gìn giữ và phát triển giống lợn đen Táp Ná.

Lợn Táp Ná là một giống lợn bản địa, chất lượng thịt thơm ngon so với nhiều loại lợn khác, đem lại giá trị kinh tế cao. Lợn Táp Ná được nuôi nhiều nhất tại xã Thanh Long và nuôi rải rác tại một số xã lân cận trên địa bàn.

Bà Đặng Mùi Mụi, dân tộc Dao Đỏ, xóm Táp Ná, một trong những hộ điển hình trong chăn nuôi lợn Táp Ná ở địa phương cho biết: Từ bao năm nay tôi chỉ nuôi giống lợn Táp Ná bản địa của địa phương. So với lợn trắng, lợn Táp Ná dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khắc nghiệt ở vùng cao, có thể nhốt trong chuồng hoặc thả rông xung quanh vườn nhà. Thức ăn chủ yếu là rau, cỏ rừng, chuối, bã rượu. Có thể nấu thêm ngô chăn bổ sung 1 – 2 bữa/ngày. Dù sức đề kháng, chống chịu bệnh tật tốt hơn so với các loại lợn khác nhưng tôi vẫn thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ để đàn lợn phát triển khỏe mạnh, hạn chế bị bệnh. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ 60 – 80 triệu đồng từ chăn nuôi lợn.

lợn táp ná

Bà Đặng Mùi Mụi, xóm Táp Ná, xã Thanh Long (Hà Quảng) duy trì nuôi khoảng 20 con lợn Táp Ná/lứa

Những năm gần đây, ngoài các hộ kinh doanh tự phát, nhiều nhóm sở thích chăn nuôi lợn Táp Ná tại xã Thanh Long đã hình thành và được hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi từ sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh. Toàn xã có 16 nhóm sở thích, mỗi nhóm có 10 – 12 thành viên, được Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh hỗ trợ 70 – 80 triệu đồng/nhóm để có vốn xoay vòng đầu tư con giống.

Anh Nông Văn Nam, Bí thư Chi bộ, Trưởng nhóm sở thích nuôi lợn Táp Ná xóm Bình Minh chia sẻ: Xóm có 75 hộ, trên 70% hộ nuôi lợn Táp Ná; nhóm sở thích của xóm có 11 thành viên, mỗi hộ nuôi từ 5 – 10 con lợn Táp Ná/lứa. Hằng tháng, nhóm họp các thành viên để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi lợn để đàn lợn phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chủ tịch UBND xã Thanh Long Triệu Văn Cản thông tin: Toàn xã có 680 hộ, đa số các hộ chăn nuôi lợn đều nuôi giống lợn Táp Ná bản địa. Tổng đàn lợn của xã hiện có hơn 3.000 con, trong đó trên 70% lợn Táp Ná, tập trung nhiều tại các xóm: Táp Ná, Thanh Sơn, Gằng Thượng, Tẩn Phung, Thanh Chung, Lũng Lạn… Từ nuôi lợn Táp Ná, nhiều hộ dân đạt thu nhập từ 40 – 60 triệu đồng/năm.

lợn táp ná

Lợn Táp Ná là giống lợn địa phương, chất lượng thịt thơm ngon đặc trưng

Lợn Táp Ná có nhiều điểm đặc trưng như lông và da đen, ngoại trừ 6 điểm trắng ở giữa trán, 4 cẳng chân và chóp đuôi. Đầu to vừa phải, tai hơi rủ cụp xuống, bụng to nhưng không bị xệ và võng xuống; chân to, cao, chắc khỏe, lưng tương đối thẳng, mặt thẳng và không bị nhăn…

Lợn Táp Ná nuôi thả rông, chọn lọc tự nhiên nên hầu như không mất công chăm sóc, phàm ăn, chống chịu bệnh tật tốt. Tỷ lệ mắc bệnh chết của lợn nái và đực giống, lợn con từ sơ sinh đến cai sữa cũng như lợn trong giai đoạn nuôi vỗ béo chỉ 3 – 4%. Tuy nhiên, do từ xưa đến nay người chăn nuôi theo tập quán thả rông là chủ yếu, thức ăn chưa đảm bảo đủ dinh dưỡng, trải qua nhiều thế hệ, lợn Táp Ná có xu hướng bị thoái hóa giống (do giao phối cận huyết), giảm năng suất. Nhằm lưu giữ nguồn gen quý của lợn Táp Ná, những năm qua, tỉnh có nhiều đề tài, dự án bảo tồn và phát triển nguồn gen lợn Táp Ná.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh lựa chọn huyện Hà Quảng làm điểm triển khai thực hiện mô hình “Chăn nuôi lợn sinh sản giống lợn Hương, lợn Táp Ná” thuộc Dự án " Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Hương, lợn Táp Ná để nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi" giai đoạn 2020 – 2022. Mô hình được triển khai thực hiện từ năm 2020 – 2022.       

Quang Văn

Nguồn: Báo Cao Bằng
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *