Bức tranh ngành gia cầm Việt Nam: 4 mảng sáng và 6 mảng tối

(Người Chăn Nuôi) – Đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) Nguyễn Thanh Sơn ngày 27/4/2023, tại Hội nghị Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới. Hội nghị do Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp) đồng tổ chức. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì Hội nghị.

Chăn nuôi gia cầm gặp nhiều khó khăn

Báo cáo tại Hội nghị, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng có sự chênh lệch giữa các miền trong cả nước, dao động từ 17.000 – 35.000 đồng/kg thịt hơi. Giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung và miền Nam và tuỳ thời điểm và vùng miền. 

Đối với gà lông trắng, giá bình quân từ đầu năm 2023 đến nay là 25.600 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 29.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông trắng giống đến tháng 4 dao động từ 9.000-13.000 đồng/con.

Giá thịt vịt hơi khu vực Nam Bộ bình quân tháng 3 là 42.100 – 43.900 đ/kg (tăng bình quân 19% tương ứng 6.800 – 7.000 đ/kg); sang tháng 4, giá tăng 7.000-9.000 đồng/kg so với tháng 3. Giá vịt thịt giống một ngày tuổi tăng nhẹ 2.000đ/con tại thời điểm tháng 4 năm 2023.

Trong các tháng đầu năm 2023, giá trứng gà dao động từ 1.750 – 2.200 đồng/quả; trứng vịt 2.200-2.4000 đồng/quả. Đối với giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp không có chênh lệch giữa các miền. Trong tháng 1/2023, giá gà thịt lông màu duy trì từ 39.000-43.000 đồng/kg, đến tháng 2 giảm xuống còn 33.000 đồng/kg và tăng lên 38.000 đồng/kg trong tháng 3; sau đó lại giảm về 26.000-32.000 đồng/kg trong tháng 4. 

Giá gà thịt lông màu giống dao động từ 4.000-7.000 đồng/com trong tháng 4 tuỳ thuộc vào loại giống và miền Bắc thường cao hơn miền Nam 1.000 – 2.000 đồng/con. "Đáng chú ý là đàn ngỗng tăng trưởng âm, vì có khi cả năm chúng ta không ăn miếng thịt ngỗng nào" – ông Tống Xuân Chinh cho hay. 

Cũng theo ông Chinh, thời gian qua nhiều địa phương quan tâm đến ngành chăn nuôi gia cầm, coi đó là ngành hàng chính vì những ưu điểm như có vòng đời ngắn, đáp ứng nhanh nhu cầu thực phẩm ra thị trường; xử lí môi trường đơn giản, đỡ tốn kém hơn nhiều so với nuôi lợn; kiểm soát dịch bệnh tốt hơn trong khi nuôi lợn vẫn bị dịch tả lợn châu Phi đe doạ…

Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, ngành chăn nuôi nói chung, mảng gia cầm đang còn rất nhiều thách thức, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỉ lệ lớn, dẫn đến kiểm soát dịch bệnh còn khó khăn. "Nhiều địa phương đang phải đối đầu với một khó khăn lớn, đó là hết 2025 phải di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng cấm, di chuyển đi đâu, quỹ đất đai thế nào đang là bài toán khó" – ông Chinh nói.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng chỉ rõ, giết mổ và chế biến là khâu yếu của ngành gia cầm và ngành chăn nuôi nói chung. Ở Việt Nam đến bây giờ vẫn chưa có hình ảnh bà mẹ lái xe cùng với trong tay là chai sữa, hộp đựng thức ăn đã chế biến sẵn, được hút chân không rất tiện lợi như một số nước phát triển.

4 mảng sáng và 6 mảng tối

Đánh giá về bức tranh ngành chăn nuôi gia cầm thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho rằng, ngành gia cầm hiện nay có 4 mảng sáng và 6 mảng tối.

Mảng sáng, tổng đàn gia cầm tăng trưởng nhanh, từ 342 triệu con vào năm 2015 lên hơn 533 triệu con vào năm 2022, tăng 1,5 lần; sản lượng thịt từ 700.000 tấn đã tăng gần gấp ba, đạt gần 2 triệu tấn, tăng 2,85 lần; sản lượng trứng cũng tăng từ 8,87 tỷ quả lên 18,4 tỷ quả, tăng hơn 2 lần. 

Sản phẩm thịt, trứng gia cầm không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cho gần 100 triệu dân trong nước mà bước đầu đã có xuất khẩu chính ngạch. Ước tính giá trị sản xuất của ngành gia cầm năm 2022 đạt khoảng 165 ngàn tỷ đồng, tương đương 7,0 tỷ USD.

Chăn nuôi gia cầm công nghiệp, trang trại quy mô lớn với công nghệ sản xuất tiên tiến và hiện đại ngày càng phát triển, vì vậy, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cũng được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, ngành gia cầm Việt Nam tự hào đã chọn lọc, lai tạo được một số bộ giống gà lông màu xuất phát từ các giống gà bản địa có năng suất chất lượng cao, không những nổi tiếng trong nước mà còn được đánh giá cao ở nước ngoài. 

Công nghệ sản xuất ở khu vực chăn nuôi ngày càng hiện đại, có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng vào giết mổ chế biến, không kém gì các nước phát triển. Đặc biệt là năm 2022 chúng ta đã khơi thông xuất khẩu chính ngạch sản phẩm thịt gà sang Nhật Bản, mở ra cơ hội cho ngành gia cầm.

Tuy nhiên, mảng tối của ngành gia cầm đang nhiều hơn mảng sáng. "Tỉ suất lợi nhuận ngành gia cầm ngày càng thấp, thậm chí 2 năm qua bị âm. Gà bán dưới giá thành từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, vậy thì còn đâu lợi nhuận? Kể cả doanh nghiệp FDI cũng bị lỗ chứ không nói gì người dân chăn nuôi nhỏ. Rất báo động" – ông Nguyễn Thanh Sơn nêu thực trạng. 

Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn xảy ra, đâu đó bệnh cúm gia cầm vẫn đang đe doạ, một số bệnh mà mấy chục năm nay không xảy ra thì nay lại xuất hiện như bệnh Marek.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Tại Hội nghị, Chủ tịch VIPA đã thay mặt Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ ngành liên quan một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm hiện nay.

Về chính sách, bên cạnh một số chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp nói chúng và chăn nuôi nói riêng đã được Chính phủ ban hành trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, thời gian gần đây, Chính phủ đã rất kịp thời ban hành các gói hỗ trợ như: Nghị định 52/2021; Nghị quyết 68 của CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; Nghị định số 44/2021/NĐ-CP, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP,…. Tuy nhiên, trên thực tế một số chính sách chưa bao quát hết được các nhóm đối tượng, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, rất vướng ở khâu thực thi, tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp còn rất hạn chế, có nhiều chính sách ban hành cấp bách, không được hướng dẫn nên doanh nghiệp không thể tiếp cận. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành rà soát lại các chính sách hiện có nhằm  hỗ trợ thiết thực, kịp thời và dễ thực thi hơn cho người chăn nuôi và doanh nghiệp. Theo đó cần điều chỉnh, bổ sung đối tượng hỗ trợ; nới lỏng các điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn hỗ trợ. Nông nghiệp là lĩnh vực luôn chịu nhiều rủi ro và khó khăn hơn, trong đó lĩnh vực chăn nuôi hiện nay là khó khăn nhất. Ngoài yếu tố dịch bệnh, thời tiết, thì áp lực từ các hiệp định thương mại tự do lên thị trường các sản phẩm chăn nuôi trong nước là rất lớn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ cao hơn cho các doanh nghiệp nông nghiệp, cụ thể các doanh nghiệp khu vực sản xuất nông nghiệp được hưởng mức hỗ trợ giảm từ 35-40 %, các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y được giảm từ 45-50% thuế thu nhập doanh nghiệp để các doanh nghiệp có vốn duy trì sản xuất.

 Nhà nước cần ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước đủ điều kiện để cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp FDI ngay trên sân nhà.

Cùng với đó, VIPA đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét rà soát lại chiến lược phát triển gia cầm trong trung và dài hạn. Theo đó, định hướng phát triển cần hài hòa giữa phát triển số lượng và chất lượng, coi trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất hơn là tăng quá nóng về số lượng. Đồng thời cần hạn chế tăng số lượng và quy mô trang trại tại một số khu vực, vùng sinh thái có mật độ chăn nuôi cao.

Đề nghị các bộ ngành và địa phương cần xem xét kỹ lưỡng các dự án đầu tư mới, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thịt lợn và gia cầm. Trong 5 năm tới, các địa phương cần siết chặt việc cấp phép các dự án đầu tư chăn nuôi mới, quy mô lớn. Nếu các dự án đó không gắn với phương án chế biến, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thì không nên cấp phép.

Để mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm, VIPA đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công thương đẩy mạnh công tác đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt trứng gia cầm chế biến, con giống ngoài thị trường Nhật Bản. Trước mắt cần tiếp tục đàm phán ký kết một số Hiệp định thú y với các nước, vùng lãnh thổ có nhu cầu nhập khẩu nhập khẩu sản phẩm gia cầm của nước ta như Singapore, Malaysia, Banglades, Myanmar, Đài Loan, Hồng Kong để mở rộng thị trường xuất khẩu hơn nữa.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, đối với những vấn đề vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để sớm tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Bởi chăn nuôi gia cầm giữ vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi, góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *