Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi

Chăn nuôi tuần hoàn là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm; ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường.

Có ý kiến cho rằng, đây sẽ là hướng đi chủ đạo để ngành chăn nuôi nước nhà phát triển bền vững thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn tài nguyên dần hạn hẹp và nguy cơ ô nhiễm môi trường chăn nuôi vẫn hiện hữu.

Theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn từ sản xuất thức ăn, trang trại, thực phẩm và phân bón hữu cơ (hệ thống chăn nuôi tuần hoàn 4F) khá hiệu quả. Tại Thủ đô, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai dự án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học ở Sơn Tây, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai… Sau bảy tháng nuôi, 750 con lợn đạt trọng lượng trung bình hơn 100 kg/con, đem lại lợi nhuận khá cao, giúp người chăn nuôi có đầu ra ổn định. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương chia sẻ, thông qua mô hình này, nông dân có thêm cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học – kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, phát triển chuỗi liên kết, nhờ đó tăng hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20% so với chăn nuôi truyền thống.

chăn nuôi tuần hoàn

Được sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159, Trung tâm khuyến nông tỉnh Hòa Bình đã thực hiện mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học tại các huyện Kim Bôi và Lương Sơn. (Ảnh: Thanh Hằng)

Cùng với đó, để hướng dẫn người chăn nuôi hiểu biết đầy đủ hơn những kỹ thuật chăn nuôi góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm đã thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nam Định, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc; áp dụng công nghệ sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn hỗn hợp, giúp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn (dịch tả lợn châu Phi, tiêu chảy), giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Tiếp đến, Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 (Hòa Bình) cũng đã triển khai mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học ở Hòa Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc…; áp dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn khép kín (sử dụng toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm đệm lót sinh học cho vật nuôi), góp phần phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp tại các địa phương nêu trên. Về vấn đề này, Chủ tịch Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hà Văn Thắng thông tin thêm, để tổ chức các mô hình chăn nuôi tuần hoàn khá tốt trong thực tế, công ty đã vận dụng sáng tạo một số nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn như: Tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại. Xử lý triệt để các ảnh hưởng môi trường trong quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, nhằm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Tuy đạt được một số kết quả khả quan, song việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn như: Nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng tại địa phương, vẫn còn tình trạng lãng phí các phụ phẩm cây trồng, chất thải vật nuôi. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò, lợi ích, bản chất của phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi chưa đầy đủ. Nhiều hộ tham gia vẫn theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên khi tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật còn hạn chế.

Chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh, chất thải chăn nuôi. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong chăn nuôi vẫn hạn chế, chưa đồng bộ, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xử lý chất thải dẫn đến ô nhiễm môi trường còn nhiều. Năng lực tái chế, tái sử dụng các chất thải chăn nuôi còn bất cập. Các doanh nghiệp thu mua chất thải chăn nuôi còn ít, mới chỉ dừng lại trong việc tái sử dụng cho cây trồng của chính các chủ trang trại hoặc thương lái nhỏ lẻ. Một số nơi chưa quan tâm công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi; chất thải vẫn chủ yếu thải trực tiếp ra môi trường…

Theo các chuyên gia, để khắc phục những bất cập nêu trên, Nhà nước cần có chính sách đặc thù (ưu đãi về cơ chế, thủ tục hành chính, tài chính, tiếp cận các nguồn lực) để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp. Xây dựng thêm các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái: trồng trọt – chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp hữu cơ cho trồng trọt. Khuyến khích các mô hình trồng trọt – chăn nuôi bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi kinh tế tuần hoàn, các mô hình liên kết hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, hạn chế sử dụng kháng sinh; tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong chăn nuôi, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, hiệu quả và lợi ích mà các mô hình mang lại. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hạ Thúy Hạnh, nếu làm tốt sẽ tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy chăn nuôi phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội.

ANH QUANG

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi

Ngành chăn nuôi của tỉnh Hòa Bình đang chuyển biến tích cực, từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, gia trại; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động hiệu quả. Song, chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất chăn nuôi còn chậm, chưa đồng bộ; thị trường tiêu thụ không ổn định… Để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: Những năm qua, tái cơ cấu ngành chăn nuôi không chỉ phát triển về số lượng, đảm bảo về chất lượng mà còn đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, đi đầu là Công ty CP chăn nuôi T&T 159 với chuỗi chăn nuôi trang trại lớn. Ngành chăn nuôi của tỉnh đã ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua xây dựng hầm khí biogas, sử dụng đệm lót sinh học, chăn nuôi khép kín. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện, Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối với sự liên kết của nhiều doanh nghiệp để phục vụ chăn nuôi gia súc quy mô lớn. 

nuôi bò hòa bình

Công ty CP chăn nuôi T&T 159 là doanh nghiệp tiên phong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi của tỉnh. 

Công ty CP chăn nuôi T&T 159 là doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn. Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ: Công ty thực hiện các mô hình: Khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để xử lý phế thải trong chăn nuôi. Xử lý triệt để các ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc làm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Quy mô chăn nuôi tập trung của công ty khoảng trên 5.000 con trâu, bò trong mỗi khu trang trại. Hàng năm, khu trang trại, khu liên hợp sản xuất sử dụng 30.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất 25.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh. Có được kết quả trên là nhờ vào việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất.

Theo thống kê của Sở NN& PTNT, toàn tỉnh hiện có tổng đàn trâu khoảng 115.700 con, bò 85.900 con, lợn 431.410 con, gia cầm trên 7,8 triệu con… Có 3 trang trại chăn nuôi bò của Công ty CP chăn nuôi T&T 159 quy mô trên 5.000 con, 71 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô từ 3000 – 4.000 con/chuồng/lứa, 41 trang trại chăn nuôi lợn lái, lợn hậu bị và lợn thịt quy mô từ 300 – 3.000 con… Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Các địa phương thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, chăn nuôi khép kín, xây dựng hệ thống xử lý chất thải để sử dụng trong nông nghiệp. 

Trên địa bàn tỉnh, việc sử dụng đệm lót sinh học và chế phẩm sinh học, xây dựng hầm khí sinh học (biogas) đã, đang được doanh nghiệp, trang trại, hộ dân áp dụng hiệu quả. Năm 2020, được sự hỗ trợ của Công ty CP chăn nuôi T&T 159 và Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình "Vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học” tại xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) và xã Thanh Sơn (Lương Sơn), quy mô 155 con. Mô hình giúp nông dân thực hiện tốt công đoạn vỗ béo gia súc lớn, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đại gia súc. Sau 3 tháng triển khai, khả năng tăng trung bình đạt 750,8g/con/ngày, vượt so với yêu cầu. Hiệu quả kinh tế tăng bình quân 13,7% so với chăn nuôi truyền thống.

Cùng với việc sử dụng đệm lót sinh học, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn để xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Theo nhiều hộ chăn nuôi chia sẻ, chi phí xây dựng hầm khí biogas dao động khoảng 2 triệu đồng/m3 nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng có thể làm được. Hộ chăn nuôi sử dụng loại khí này để phục vụ cho cuộc sống thường ngày, tạo thành chất đốt mới thay thế cho các loại củi thông thường gây ô nhiễm môi trường. 

Thời gian tới, để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, ngành chuyên môn và các địa phương tiếp tục thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch của tỉnh về chăn nuôi. Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giống. Tổ chức quản lý sản xuất, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi và thú y, đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và kiểm soát môi trường trong chăn nuôi.

Thu Thủy

Nguồn: Báo Hòa Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *