Ngành dâu tằm tơ cần gỡ khó trong khâu con giống

(Người Chăn Nuôi) – Việt Nam là một trong 5 quốc gia có sản lượng tơ tằm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, những giống tằm chính được nuôi lấy tơ lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là rào cản khiến cho nghề trồng dâu nuôi tằm tại nước ta chưa thực sự bứt phá.

Bị động nguồn giống tằm

Cả nước hiện có 38.076 hộ nông dân với hơn 101.705 nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm, chiếm 0,24% tổng lao động nông nghiệp. Nghề trồng dâu nuôi tằm đóng góp khoảng 2% tổng giá trị nông sản xuất khẩu. 

Năm 2022, cả nước có 32 tỉnh có nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích khoảng 13.200 ha dâu, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm 77%; Miền núi và Trung du chiếm 11%; ĐBSCL chiếm 0,05%; các vùng khác từ 2,94 – 5,14%. Tổng diện tích dâu tằm có xu hướng tăng trong những năm gần đây, đáng chú ý diện tích dâu tằm năm 2022 tăng 58,22% so với năm 2018. 

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: Sản lượng tơ tằm của Việt Nam đứng trong top 5 thế giới chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan và Thái Lan. Hiện nay, những giống tằm chính đang được nuôi lấy tơ là tằm lưỡng hệ kén trắng cho chất lượng tơ cao; tằm đa hệ kén vàng cho chất lượng tơ thấp hơn và tằm đa hệ lai. Trong đó, giống tằm lưỡng hệ kén trắng nhập khẩu 90% từ Trung Quốc; các giống tằm, giống dâu trong nước năng suất, chất lượng cao còn ít. 

Nhu cầu trứng tằm dâu phục vụ sản xuất khoảng 450.000 – 500.000 hộp/năm. Cơ cấu giống tằm dùng trong sản xuất tằm đang thay đổi theo hướng tiến bộ. Nông dân nuôi tằm kén trắng ngày càng nhiều, hiện chiếm 72%; tằm đa hệ vàng lai chiếm 23%, tằm đa hệ vàng nguyên là 5%. Nhu cầu trứng tằm sắn phục vụ sản xuất khoảng 90.000 – 95.000 hộp/năm. 

giống tằm lưỡng hệ kén trắng

Việt Nam phải nhập khẩu 90% giống tằm lưỡng hệ kén trắng từ Trung Quốc. Ảnh: ST

Đối với giống tằm đa hệ kén vàng và tằm thầu dầu lá sắn, hiện nay Việt Nam hoàn toàn chủ động được nguồn trứng. Tuy nhiên, đối với trứng tằm lưỡng hệ kén trắng Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, 90% đang nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc. 

Thúc đẩy phát triển con giống

Tham luận tại Hội nghị phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt ngày 2/12/2023, đại diện Công ty TNHH Minh Quang Lâm kiến nghị: Việt Nam cần phải có trứng giống tằm đảm bảo chất lượng và thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; Nhập chính ngạch trứng giống tằm bằng đường bộ để giảm giá thành và giảm thời gian lưu kho; Đề nghị Hải quan các tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang rút ngắn thời gian kiểm dịch trứng giống tằm nhập khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu trứng giống tằm về Việt Nam. 

trồng dâu nuôi tằm

Nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống tại huyện Duy Xuyên, Quang Nam. Ảnh: ST

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tồn tại lớn nhất hiện nay của ngành dâu tằm tơ là vấn đề giống và đang rất cần tháo gỡ, cùng với đó là lĩnh vực chế biến và liên kết giữa các bên vẫn còn những khó khăn. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trước hết cần tập trung xây dựng đề án chiến lược phát triển ngành dâu tằm tơ. Cùng với đó là tổ chức nghiên cứu, phát triển giống, thực hiện các chương trình khoa học về giống.

Nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT và các cơ quan quản lý nhà nước đã hỗ trợ việc nuôi giữ giống gốc các giống tằm lưỡng hệ, tằm đa hệ, tằm thầu dầu lá sắn tại 3 cơ sở (Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, Công ty Cổ phần Giống tằm Thái Bình và Công ty Cổ phần Giống tằm Bảo Lộc) để phục vụ công tác nghiên cứu, chọn tạo giống tằm cung ứng cho thị trường. Hiện nay, 80% nông dân đã mua tằm con về nuôi thay vì nuôi tằm từ trứng. Việc đảm bảo điều kiện nuôi tốt trong giai đoạn tằm con sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thời gian nuôi, đặc biệt hạn chế tổn thất do dịch bệnh. 

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *