Trong những năm qua, ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương phát triển theo định hướng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bền vững và hướng đến xuất khẩu.
Tiềm năng và lợi thế
Bình Dương nằm trong vùng chăn nuôi trọng điểm phía Nam, có nguồn nguyên liệu động vật, sản phẩm động vật dồi dào. Cùng với đó có hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh, nối liền giữa các vùng trong và ngoài tỉnh rất thuận lợi giao thương.
Mặc dù là một trong những tỉnh tập trung phát triển công nghiệp, tuy nhiên trong những năm gần đây ngành chăn nuôi của Bình Dương vẫn được duy trì phát triển ổn định. Cơ cấu ngành chăn nuôi đã được chuyển đổi mạnh mẽ từ quy mô nông hộ sang chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh. Đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 974.000 con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 60%; tổng đàn gia cầm có khoảng 13,6 triệu con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 70%. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, tổng đàn heo tăng trung bình khoảng 9%/năm; tổng đàn gia cầm tăng trung bình khoảng 7%/năm.
Chăn nuôi heo theo hình thức trại lạnh, an toàn sinh học phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, không xảy ra bệnh dại trên động vật. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành chăn nuôi tỉnh đã cung ứng ra thị trường trên 900.000 con heo thịt và trên 8,1 triệu con gà thịt, thực hiện kiểm soát giết mổ tại địa phương trên 361.000 con heo và trên 5,8 triệu con gia cầm. Ngành chăn nuôi của tỉnh đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ thị trường trong tỉnh, cung ứng một phần cho thị trường tiêu thụ khu vực Đông Nam bộ và hướng tới xuất khẩu.
Nhiều chính sách khuyến khích phát triển
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, thời gian qua công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y phát triển theo hướng trang trại ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hóa gắn với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2692 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm động vật, bảo đảm khả năng cung ứng tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu.
Song song đó, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 09 về việc quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh tại từng thời điểm do UBND tỉnh quyết định.
Ngoài ra, hệ thống thú y ổn định, duy trì từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp cơ sở tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh duy trì chính sách tiêm phòng miễn phí vắc xin cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả trên heo và hóa chất tiêu độc khử trùng cho các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ. Đồng thời chấp thuận chủ trương cho tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh trong điều kiện chưa có quyết định công bố dịch bằng nguồn ngân sách địa phương.
Tính đến nay, tỉnh đã được Cục Thú y công nhận tổng cộng 13 vùng an toàn dịch bệnh động vật tại các địa phương được quy hoạch chăn nuôi tập trung, như: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Trong đó gồm 5 vùng an toàn dịch bệnh động vật trên gia cầm, 4 vùng an toàn dịch bệnh động vật trên gia súc, 4 vùng an toàn dịch bệnh động vật trên chó nuôi.
Hiện có 173 cơ sở chăn nuôi được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Trong đó có 52 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia súc (chiếm tỷ lệ khoảng 20% trang trại chăn nuôi công nghệ cao), 121 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia cầm (chiếm tỷ lệ khoảng 63% trang trại chăn nuôi công nghệ cao).
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành dự án “Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới”. Trong đó, cần nêu rõ các tỉnh, thành thuộc dự án và nội dung kinh phí dự án theo phân cấp giữa Trung ương và địa phương để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương bố trí kinh phí xây dựng, duy trì các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đồng thời, phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch và liên kết theo chuỗi giá trị là xu hướng phát triển tất yếu.
Thoại Phương
Nguồn: Báo Bình Dương