Người Chăn Nuôi số 98

Thưa quý vị bạn đọc!

Ngành chăn nuôi Việt Nam đã trải qua quý đầu tiên trong năm với nhiều cảm xúc. Theo đánh giá chung của Cục Chăn nuôi, quý I/2024 tương đối ổn định cả về tổng đàn và tốc độ tăng trưởng. Sản lượng thịt bò hơi, sản lượng sữa bò, tổng đàn heo hay sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đều tăng. Và động lực thúc đẩy nhịp tăng trưởng của ngành thời gian qua được cho là do giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục được điều chỉnh theo xu hướng giảm, mở rộng thêm cơ hội cho người dân tái đầu tư sản xuất.

Tạp chí Người Chăn Nuôi số 98

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia khuyến cáo, người nuôi cần thận trọng trong sản xuất, nhất là việc tái đàn ồ ạt, cần quan sát kỹ tín hiệu thị trường để tránh rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Hơn nữa, vốn dĩ sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tiêu thụ chính vẫn là thị trường trong nước, nhưng đã và đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ. Thống kê trong quý I/2024, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi cả nước khoảng 702 triệu USD, dù giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng kim ngạch nhập siêu vẫn rất lớn, gấp nhiều lần so với kim ngạch xuất khẩu.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, mỗi tuần có khoảng 60.000 con gà đẻ loại thải được nhập khẩu về Việt Nam, tương đương khoảng 240 tấn. Số lượng này dù chưa đủ sức “đè bẹp” chăn nuôi gà trong nước, nhưng cũng khiến cho không ít trang trại có nguy cơ “sập” vì thua lỗ khi giá bán ảm đạm.

Không chỉ nhập khẩu các sản phẩm thịt và phụ phẩm mà còn bao gồm giống vật nuôi chủ lực như heo giống cấp cụ kỵ; bò giống; gà giống bố mẹ…

Hiện nay, chăn nuôi trong nước hay thế giới đều đang có mối lo chung đó là giảm phát thải khí nhà kính, chăn nuôi bền vững. Tại Hội nghị Nhà máy thức ăn chăn nuôi tương lai diễn ra vào tháng 1/2024 tại Atlanta, Georgia, các chuyên gia cho rằng có 5 cách thức giảm chất thải và tối đa hóa đầu vào trong toàn bộ chuỗi sản xuất để cải thiện tính bền vững và gia tăng lợi nhuận, bao gồm: Giảm phát thải; Cải thiện hiệu quả năng lượng; Kích hoạt kinh tế tuần hoàn bằng côn trùng; Tận dụng AI; Tối ưu hóa dinh dưỡng trong hệ thống NAE… Đây là thông tin hữu ích để nhà quản lý và người chăn nuôi Việt Nam tham khảo.

Thời tiết giai đoạn chuyển mùa từ xuân sang hè có nhiều thay đổi, nắng nóng xen kẽ mưa ẩm làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển và lây lan. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, Đặc san Người Chăn nuôi số này tiếp tục có nhiều bài viết của các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước để chia sẻ thêm thông tin về tình hình chung cũng như những hướng dẫn tỉ mỉ về kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng vaccine, sử dụng thuốc thú y một cách hợp lý cho đàn vật nuôi…

Mời quý độc giả đón đọc.

Để đặt mua báo. Xin liên hệ: 

Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:

Ngọc Ánh: 0963 555 554

Email: phathanhtggc@gmail.com

Trân trọng!

BAN BIÊN TẬP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *