Thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi. Song được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đến nay trên địa bàn tỉnh đã công bố hết dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi, tạo điều kiện cho người chăn nuôi yên tâm tăng đàn và tái đàn.
Trang trại chăn nuôi gia cầm tại xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng đàn trâu ước đạt 190 nghìn con, đạt 97,43% so với kế hoạch giao (KH); đàn bò 260 nghìn con, đạt 98,11% so với KH; đàn lợn 1.150 nghìn con 97,05% so với KH; đàn gia cầm 22 triệu con đạt 95,65% so với KH.
Trong những tháng cuối năm 2021, sản xuất chăn nuôi của tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: Bắt đầu vào mùa mưa bão, thời tiết khí hậu diễn biến bất thường; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tái dịch trở lại rất cao; đặc biệt dịch, bệnh COVID-19, dẫn đến việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn và thuốc thú y khan hiếm, giá thành sản xuất tăng cao, do tác động của dịch làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa và hạn chế đi lại của người dân, giá các loại sản phẩm đầu ra của ngành chăn nuôi giảm mạnh, nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi ra thị trường cao.
Chăn nuôi gà bán chăn thả tại xã Xuân Thành, huyện Thường Xuân
Để chủ động ngăn ngừa, khống chế các loại dịch bệnh nguy hiểm đối với đàn gia súc, gia cầm; đảm bảo nguồn cung thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, giữ vững đà tăng trưởng của ngành chăn nuôi nhằm đạt được mục tiêu sản xuất năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nội dung, như: Khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn rà soát lại số lượng đàn vật nuôi, các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, đánh giá tình hình chăn nuôi trên địa bàn quản lý; có kế hoạch cụ thể về việc tăng đàn, tái đàn đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất chăn nuôi được giao trong năm 2021, đồng thời đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện, ngoài tỉnh thực hiện xây dựng, hình thành, thiết lập và duy trì các chuỗi liên kết, kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, đảm bảo không để đứt gãy chuỗi, ứ đọng, không xuất bán được sản phẩm. Lựa chọn doanh nghiệp làm đầu tàu tham gia chăn nuôi theo chuỗi (chuỗi khép kín và chuỗi liên kết), gắn với việc xây dựng cơ sở/vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và giết mổ, chế biến. Các huyện miền núi đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) và con nuôi đặc sản (Vịt Cổ Lũng, lợn Mán, gà đồi,…), từng bước hình thành và phát triển trang trại chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường gắn với cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Các huyện đồng bằng nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; phát triển hợp lý các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tập trung xa khu dân cư, ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao theo chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường. Đồng thời, coi trọng và tăng cường dự tính, dự báo về thị trường chăn nuôi trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu để tiếp tục điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm theo nhu cầu và phân khúc của thị trường.
Tiêm vác xin phòng bệnh cho đàn gia cầm tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương
Bên cạnh đó, tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2021 bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng thuộc diên và tiêm phòng bổ sung vắc xin Viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò chưa được tiêm phòng.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình, cơ sở chăn nuôi liên kết sản xuất khép kín, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát dịch bệnh tại cơ sở; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Khi thấy gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết bất thường cần báo cáo ngay cho UBND xã hoặc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện; UBND cấp huyện tổ chức lấy mẫu, xác định nguyên nhân. Tuyệt đối không vứt xác động vật chết ra môi trường, tránh lây lan dịch bệnh.
Kiểm soát dịch tại Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây, thị xã Bỉm Sơn.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm; tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng không được mua bán, giết mổ động vật bị ốm, chết để chế biến thành thực phẩm; chỉ vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng, an toàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là công tác cách ly kiểm dịch, nhập đàn và tái đàn, công tác giám sát dịch bệnh, công tác quản lý chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, kiểm soát vận chuyển, giết mổ và các biện pháp xử lý các ổ dịch. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc gia cầm.
Hương Thơm
Nguồn: Báo Thanh Hóa