Quảng Trị: Cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò ở Hướng Hóa

Là huyện miền núi có tiềm năng đất đai, điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt là chăn nuôi bò, thời gian qua, huyện Hướng Hóa đã triển khai nhiều chương trình, dự án để cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò. Đây được xem là hướng đi mới nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi tại địa phương.

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mới đây, 40 hộ dân của xã Tân Liên và thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đã được Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc hỗ trợ 124 con bò giống lai Zebu thông qua Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển chăn nuôi bò sinh sản năng suất cao tạo sinh kế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Bắc Trung Bộ.

nuôi bò 3B

Mô hình thí điểm nuôi bò 3B tại Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 – Ảnh: L.A

Theo đó, mỗi hộ được nhận 3 con bò cái giống lai Zebu trọng lượng từ 140 – 160 kg/ con và 4 hộ được nhận thêm 1 con bò đực giống lai Brahman trọng lượng 300 kg/con. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ 100% cỏ giống, thức ăn tinh trong 2 tháng nuôi đầu tiên và toàn bộ vắc xin, tinh bò Brahman để cải tạo đàn bò giống.

Là một trong những hộ được nhận bò giống hỗ trợ, anh Hồ Văn Vinh ở Khu phố 6, thị trấn Khe Sanh cho biết, tham gia vào dự án, anh cùng với 39 hộ khác đã được hướng dẫn, trang bị những kiến thức đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt; cách nhận biết một số biểu hiện của bò khi mắc bệnh; vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho bò, kỹ thuật vỗ béo cho bò, xử lý ủ phân hữu cơ… theo phương thức “cầm tay chỉ việc”.

Bên cạnh đó, trên diện tích đất của gia đình, anh còn được hỗ trợ trồng cỏ voi giống VA06 và hướng dẫn cách chế biến thức ăn bằng công nghệ ủ chua lên men để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò.

Theo anh Vinh, ở vùng đồng bằng hoặc các vùng có điều kiện thuận lợi khác, có thể những điều đó là không mới, nhưng với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng khó khăn, những kiến thức được trang bị này là rất quý.

Giống bò lai Zebu được dự án hỗ trợ cũng có tầm vóc, tốc độ tăng trọng nhanh hơn so với giống bò vàng địa phương. “Từ 3 con bò cái được nhận này, tôi dự kiến sẽ phát triển đàn bò của mình lên khoảng 5 – 6 con. Qua đó giúp gia đình thoát nghèo một cách bền vững”, anh Vinh nói.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vĩ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc thông tin, mục tiêu của dự án nhằm phát triển đàn bò thịt năng suất cao, tạo sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó hộ tham gia dự án trong thời gian 3 năm phải thực hiện được 3 nhiệm vụ gồm: nuôi bò sinh sản theo quy trình thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo đàn bò giống, nâng cao năng suất cho thế hệ sau; trồng được giống cỏ voi VA06 để nuôi nhốt; ủ được cỏ và phụ phẩm nông nghiệp dự trữ thức ăn ủ chua cho bò; cách phòng trị bệnh cho bò, cách xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Dự án còn góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ địa phương và người dân về ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với cải thiện vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Chúng tôi dự kiến thông qua dự án sẽ có khoảng 150 – 200 bê con ra đời. Đối với nuôi bò thịt, nhờ ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học và công nghệ nên chỉ tiêu tăng trọng sẽ đạt hơn 1 kg/con/ ngày. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng thành công mô hình xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi thành phân hữu cơ tại các hộ tham gia dự án để cung cấp phân bón cho sản xuất nông nghiệp của người dân nói chung, trồng cỏ thâm canh nói riêng”, ông Nguyễn Hồng Vĩ cho biết thêm.

Huyện Hướng Hóa còn triển khai đề án Phát triển chăn nuôi bò thịt BBB (3B) giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mô hình thí điểm đầu tiên đã được thực hiện tại Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 với quy mô 10 con bò BBB. Thượng tá Hồ Sỹ Giao, Trưởng phòng Hậu cần – Kỹ thuật, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 cho biết, bò 3B là giống bò có trọng lượng lớn, tốc độ tăng trọng nhanh, tỉ lệ thịt xẻ cao.

Đặc biệt, loại bò này phù hợp với việc nuôi nhốt nên không tốn quá nhiều công chăm sóc, chỉ cần đảm bảo đầy đủ thức ăn, nước uống theo từng giai đoạn phát triển, chuồng nuôi thoáng mát, sạch sẽ và thường xuyên tắm rửa cho đàn bò.

Không những vậy, nhờ có sức đề kháng tốt nên bò 3B ít bị bệnh. Điểm cần lưu ý đó là khẩu phần ăn cho bò 3B ngoài thức ăn thô xanh cần phải bổ sung thêm thức ăn công nghiệp có độ đạm cao để đảm bảo sức tăng trọng cho bò.

“Dự kiến sau khoảng 8 tháng nuôi, mỗi con bò sẽ có trọng lượng từ 0,7 – 0,8 tấn. Nuôi trên 1 năm có thể đạt trọng lượng từ 1 – 1,2 tấn. Với giá bán hiện tại khoảng 80.000 đồng/kg hơi thì bình quân mỗi con bò 3B sẽ mang lại từ 70 – 80 triệu đồng”, Thượng tá Hồ Sỹ Giao thông tin thêm.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Lê Hữu Tuấn cho biết, hiện tại tổng đàn bò toàn huyện mới chỉ có khoảng 16.000 con, chủ yếu là giống bò vàng Việt Nam.

Tỉ lệ bò lai Sind, Brahman chỉ chiếm khoảng 20 – 25% tổng đàn. Phương thức chăn nuôi chủ yếu theo hướng truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa còn hạn chế.

Do vậy, việc triển khai đề án phát triển chăn nuôi bò thịt 3B sẽ góp phần phát triển chăn nuôi bò theo hướng trang trại, gia trại, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Nâng cao chất lượng loại vật nuôi chủ lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất chăn nuôi.

Theo đó, ngoài mô hình thí điểm tại Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, trong 2 năm 2024 – 2025 huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng 5 mô hình chăn nuôi bò 3B tại các địa phương. Thời gian thực hiện mô hình từ 16 – 18 tháng, trọng lượng bò xuất chuồng dự kiến đạt 0,6 – 0,7 tấn/ con.

Giai đoạn 2026 – 2030 tiếp tục hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ tinh phối giống bò 3B cho các xã, thị trấn trên cơ sở giống bò cái nền lai Sind, Brahman để chủ động nguồn giống thông qua phương pháp thụ tinh nhân tao.

Tổng kinh phí thực hiện đề án là 4,072 tỉ đồng; trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ 1,7 tỉ đồng và tổ chức, cá nhân đóng góp 2,37 tỉ đồng.

“Bên cạnh nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, cải tạo đàn vật nuôi đáp ứng nhu cầu cung cấp, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo xu hướng hiện nay, thông qua đề án sẽ góp phần giải quyết việc làm, thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, thay đổi tập quán sản xuất từ quy mô nhỏ lên quy mô vừa và lớn gắn với chuỗi liên kết giá trị”, ông Lê Hữu Tuấn khẳng định.

Lê An

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *