Bò vàng Việt Nam

Là giống bò thuộc nhóm giống bò vàng phương Nam (giống bò hình thành do lai tạo giữa nhóm Bos taurus và nhóm Bos indicus). Đây là vật nuôi được phát triển tại nhiều địa phương, đặc biệt rất phù hợp với tình hình chăn nuôi tại các tỉnh miền núi.

Đặc điểm

Bò vàng Việt Nam có nguồn gốc từ nhiều giống bò của các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Trung Quốc, nhưng chủ yếu được hình thành từ hai giống bò Trung Quốc và Ấn Độ. Bò vàng Việt Nam thuộc nhóm bò thịt, dùng để lấy thịt và sức kéo, được nuôi tại nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Ninh Thuận…

Bò vàng có khả năng chịu đựng tốt với điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, thích nghi được với phương thức chăn nuôi tận dụng, đầu tư ít.

Đặc điểm chung nhất của giống là bộ lông có màu vàng, da mỏng, lông mịn. Tầm vóc nhỏ bé: Khối lượng bò cái 160 – 200 kg và bò đực 250 – 300 kg. Thân hình cân đối, bò cái trước thấp hậu cao, bò đực trước cao hậu thấp. Đầu bò cái thanh hơn bò đực, sừng nhỏ, ngắn, trán phẳng hoặc hơi lõm; Trong khi đó, bò đực mõm ngắn, tĩnh mạch cổ nổi rõ, mắt to nhanh nhẹn. Cổ bò cái thanh, nhưng cổ bò đực to, dày. Yếm dưới cổ bò cái kéo dài từ hầu đến vú, cổ có nhiều nếp nhăn nhỏ.

Bò vàng thành thục sớm, mắn đẻ, khả năng thích nghi cao, chịu đựng kham khổ tốt, ít bệnh tật. Giống bò vàng Việt Nam trọng lượng khoảng 250 kg, sản lượng thịt bò vàng Việt Nam đạt khoảng 45 – 50% tỷ lệ thịt. Ngoại hình xấu: Thấp ngắn, mình lép, mông lép, ngực lép, trán lõm…

 

Bảo tồn nguồn giống

Những năm gần đây, nhận thấy chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa mang lại nguồn thu nhập lớn, nhiều gia đình đã tập trung phát triển chăn nuôi và vỗ béo bò thịt. Một số mô hình chăn nuôi bò hàng hóa theo hướng trang trại kết hợp với mở rộng diện tích trồng cỏ đã hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi bò trên vùng Cao nguyên đá Hà Giang cũng đang gặp nhiều thách thức.

TS Trịnh Quang Phong, Bộ môn Sinh sản và Thụ tinh nhân tạo (Viện Chăn nuôi) cho biết, hiện, việc khai thác đàn bò vàng vùng cao của Hà Giang vẫn còn mang tính tự nhiên, thiếu khoa học nảy sinh nhiều bất cập, không phát huy hết giá trị của giống bò vàng này. Số bò mang bán thường là những con đực có thể trạng to lớn, cho sản lượng thịt cao. Số còn lại kém hơn thì lại được để làm giống và tiêu thụ nội bộ. Việc bán hoặc giết thịt một số lượng lớn bò giống tốt đã gây suy thoái chất lượng đàn bò. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng đàn bò chưa theo đúng yêu cầu kỹ thuật nên sản lượng thịt hàng hóa chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, hệ thống quản lý và sử dụng giống chưa hoàn chỉnh, công tác tuyển chọn bò đực giống chưa được đầu tư theo đúng yêu cầu nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Theo đó, trong những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã ưu tiên nguồn kinh phí giúp Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng (huyện Đồng Văn) thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm bảo tồn và phát triển giống bò vàng vùng cao Hà Giang”. Đại diện Trung tâm cho biết, thực hiện tốt công tác bảo tồn nguồn gen giống bò vàng đã góp phần khắc phục hiện tượng suy thoái chất lượng giống, nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò, từ đó cải thiện thu nhập cho người chăn nuôi. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.

Bên cạnh việc bảo tồn nguồn gen, việc chăn nuôi bò vàng gắn với tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra cho người chăn nuôi cũng được tỉnh Ninh Thuận chú trọng phát triển. UBND huyện Thuận Bắc đã phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp R&D tổ chức Hội thảo chăn nuôi vỗ béo bò vàng gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm vào tháng 6/2018 nhằm trang bị cho hộ chăn nuôi nắm vững kiến thức, kỹ thuật phối trộn thức ăn và chế biến thức ăn để vỗ béo bò gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi. Theo đó, các xã Bắc Phong, Bắc Sơn, Công Hải, Lợi Hải mỗi xã chọn 2 hộ có đủ điều kiện để triển khai mô hình chăn nuôi vỗ béo bò vàng, sau đó đánh giá và nhân rộng trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo.

Địa chỉ cung cấp giống:

1. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền Trung

Địa chỉ: Thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định

Điện thoại: 056 821044/ 056 821044/ 0914 016 014.

2. Xí nghiệp Truyền giống Gia súc và Phát triển Chăn nuôi miền Nam

Địa chỉ: 28 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường 1, quận Gò Vấp,

TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0838 944438 – Fax: 0839855707.

Ngọc Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *