Tình hình chăn nuôi tháng 10/2018

Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất nông nghiệp 10 tháng đầu năm 2018 ổn định. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng ước đạt 455 triệu USD, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2017.

Tình hình chung

Chăn nuôi trâu, bò

Đàn trâu phát triển ổn định, đàn bò duy trì tốc độ tăng nhưng không cao như các năm trước do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường đầu ra. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm tháng 10/2018, ước tính tổng số trâu của cả nước giảm 1%, tổng số bò tăng 2% so cùng kỳ năm 2017.

Chăn nuôi heo

Nguồn cung thịt heo đang dần ổn định. Giá thịt heo hơi trong tháng 10 đã bắt đầu giảm. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng đàn heo cả nước tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2017.

Chăn nuôi gia cầm

Đàn gia cầm trong tháng tiếp tục phát triển khá, thị trường tiêu dùng ổn định, dịch bệnh lớn không xảy ra khiến người chăn nuôi yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô đàn. Ước tính đến tháng 10, tổng đàn gia cầm cả nước tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2017.

Dịch bệnh

Đối với cúm gia cầm

Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng virus cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Đối với lở mồm long móng

Nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vaccine lở mồm long móng hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao.

Đối với tai xanh trên heo

Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.

Nguy cơ ASF xâm nhiễm vào Việt Nam

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 10 và 11/2018, các đợt bùng phát Dịch tả heo châu Phi (ASF) vẫn tiếp tục diễn ra, làm gián đoạn các luồng thương mại thịt heo toàn cầu và ảnh hưởng đáng kể tới tình hình sản xuất của các nước xuất hiện dịch, đặc biệt là Trung Quốc.

Nguy cơ ASF xâm nhập vào Việt Nam ngày một cao. Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn ASF, đặc biệt cần tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý các trường hợp đưa heo và thịt heo không rõ nguồn gốc vào Việt Nam.

Thị trường

Xuất khẩu

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 10/2018 đạt 46 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 455 triệu USD, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2017.

Nhập khẩu

– Thức ăn gia súc và nguyên liệu

Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 10/2018 ước đạt 303 triệu USD, đưa tổng giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2018 đạt 3,2 tỷ USD, tăng 17,4% so cùng kỳ năm 2017.

– Đậu tương

Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 10/2018 đạt 51.000 tấn, trị giá 22 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị đậu tương nhập khẩu đậu tương trong 10 tháng đầu năm 2018 đạt 1,38 triệu tấn và 597 triệu USD, xấp xỉ năm 2017 về khối lượng và tăng 1,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2017.

– Ngô

Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 10/2018 đạt 983.000 tấn với giá trị đạt 211 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị ngô nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2018 đạt 8,27 triệu tấn và giá trị đạt 1,72 tỷ USD, tăng 28,2% về khối lượng và tăng 35,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2017.

– Lúa mì

Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 10/2018 đạt 449.000 tấn với giá trị đạt 107 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2018 đạt 4,44 triệu tấn và 1,06 tỷ USD, tăng 9,9% về khối lượng và tăng 24,2% về giá trị so cùng kỳ năm 2017.

Anh Vũ – Sao Mai

(Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *