Yên Bái tiêm trên 436.000 liều vắcxin cho gia súc

Cùng với các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi như tiêu độc khử trùng, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, tính đến ngày 15/11/2024, tỉnh Yên Bái đã tiêm trên 436.137 liều vắcxin cho đàn gia súc.

Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phát hiện một số ổ dịch trên đàn gia súc gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Cụ thể, trong tháng 5, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 92 hộ dân ở các huyện Lục Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 363 con, trọng lượng tiêu hủy gần 17 tấn.

tiêm vắcxin cho gia súc

Đến ngày 15/11, tỉnh Yên Bái đã tiêm trên 436.137 liều vắcxin cho đàn gia súc.

Bệnh lở mồm long móng xảy ra trong tháng 5 tại 47 hộ ở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu với tổng số gia súc mắc bệnh 104 con (68 con trâu, 24 con bò, 12 con lợn), 16  con trâu, bò chết và tiêu hủy với trọng lượng tiêu hủy gần 2,8 tấn.

Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, ngành chức năng và các địa phương đã triển khai các biện chống dịch, tổ chức khoanh vùng cách ly, phun thuốc tiêu độc khử trùng và tiêm vắcxin cho đàn vật nuôi. Vì vậy, các ổ dịch đã được kiểm soát, không để lây lan diện rộng.

Trong năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Yên Bái đã  mua và cấp cho các huyện, thị xã, thành phố gần 80.000 liều vắcxin phòng bệnh lở mồm long móng và gần 7.000 lít thuốc phun tiêu độc khử trùng.

Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã tiêm phòng trên 436.130 liều vắcxin tụ huyết trùng, dịch tả lợn, phó thương hàn lợn, lở mồm long móng cho đàn gia súc… Bên cạnh đó, các địa phương đã làm tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y để giảm thiểu rủi ro do mang mầm bệnh từ nơi khác đến.

Từ nay đến cuối năm, Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, phun tiêu độc khử trùng phòng bệnh cúm gia cầm; đẩy mạnh tuyên truyền tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Chi cục cũng chỉ đạo, khi phát sinh dịch bệnh động vật cần kịp thời triển khai các biện pháp quản lý, khoanh vùng và khống chế, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng; sẵn sàng các phương án chống dịch; tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản; triển khai thực hiện đợt tổng vệ sinh và phun  tiêu độc khử trùng môi trường và phòng bệnh cúm gia cầm dịp cuối năm.

Mạnh Cường

Nguồn: Báo Yên Bái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *