Yên Bái tăng cường giám sát, chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Từ đầu năm tới nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển. Cụ thể, trong tháng 7/2023, tại huyện Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ có biểu hiện của bệnh lở mồm long móng (LMLM).

Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, đoàn công tác của Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu tổ chức kiểm tra xác minh dịch bệnh; chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (PCDB), xử lý ổ dịch, thực hiện các biện pháp PCDB theo quy định.

Cùng đó, Chi cục đã cấp 3.325 liều vắc-xin LMLM và 48 lít thuốc sát trùng để phun tiêu tiêu độc khử trùng, tiêm bao vây ổ dịch và các hộ chăn nuôi thuộc vùng có nguy cơ cao; nhờ đó, dịch bệnh được khống chế, không lây lan.

chăn nuôi yên bái

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y của các hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Hiện, toàn tỉnh có 782.935 con gia súc; trong đó, trâu 96.914 con, bò 38.205 con, lợn 647.816 con và đàn gia cầm đạt 6.817.751 con.

Có được kết quả này, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của tỉnh phải kể đến ngành chức năng, các địa phương đã làm tốt công tác thú y.

Với phương  châm: “tăng cường giám sát, chủ động phòng ngừa, phát hiện dập tắt kịp thời dịch bệnh”, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của nhân dân PCDB trong chăn nuôi.

Công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm được được Chi cục triển khai thường xuyên đến các xã, phường và 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh tổ chức tiêm phòng 562.450 liều vắc – xin; trong đó, có 31.079 liều tụ huyết trùng trâu, bò, 68.20 liều tụ huyết trùng lợn, 191.190 liều dịch tả lợn, 111.980 liều phó thương hàn lợn, 20.342 liều LMLM, 53.119 liều dại chó.

Cùng đó, trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố đang triển khai phun tiêu độc khử trùng phòng bệnh cúm gia cầm đợt 1 năm 2023; các hộ chăn nuôi, nhất là các trang trại thường xuyên tổ chức phun tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền chăn nuôi an toàn đến người dân và tăng cường kiểm soát giết mổ và kiểm dịch vận chuyển động vật, đến nay, trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Ông Đàm Duy Đức –  Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: để thực hiện PCDB cho đàn gia súc, gia cầm trong thời gian tới, đơn vị phối hợp cùng triển khai tháng tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi trong tháng 10/2023; tiêm phòng vắc – xin LMLM cho trâu, bò, phun tiêu độc khử trùng cúm gia cầm đợt 2 vào tháng 11, tháng 12; thực hiện giám sát dịch bệnh động vật.

Cùng đó, thực hiện tuyên truyền về các nguy cơ và biện pháp PCDB động vật; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển giết mổ, mua bán gia súc gia cầm; tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi nhằm kịp thời phát hiện và dập tắt dịch bệnh nếu có xảy ra.

Mặc dù dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan trên đàn vật nuôi trong thời gian tới là rất cao bởi thời tiết thay đổi, nhiệt độ môi trường lạnh sức đề kháng của vật nuôi giảm tạo điều kiện cho nhiều loại mầm bệnh tồn tại và phát triển không chỉ bệnh LMLM mà các bệnh nguy hiểm khác như: tai xanh, cúm gia cầm.

Từ nay đến tết cuối năm, các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tăng cao; trong khi đó, một số huyện chưa có cơ sở, điểm giết mổ đảm bảo quy định nên nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh còn cao.

Để ngăn ngừa dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định, các địa phương không được chủ quan lơ là trong PCDB đặc biệt là cúm gia cầm, LMLM và dịch tai xanh.

Các địa phương tổ chức rà soát dịch bệnh, nâng cao nhận thức về tiêm phòng và PCDB đến người chăn nuôi; tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát hiện và PCDB; tiếp tục triển khai tiêm phòng; tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý kiên quyết vi phạm trong công tác thú y; rà soát và chuẩn bị đầy đủ vắc – xin, hóa chất và các loại vật tư phục vụ công tác PCDB.

Thực hiện tốt những điều kiện trên sẽ góp phần sẽ hạn chế được dịch bệnh lây lan trên đàn gia súc, gia cầm góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Thông Nguyễn

Nguồn: Báo Yên Bái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *