Xử lý chứng còi cọc ở heo con

(Người Chăn Nuôi) – Chứng còi cọc ở heo con do Virus circovirus type 2 (PCV2 ) với nhiều chủng khác nhau. Bệnh tiến triển nặng nếu kết hợp với các virus khác như: PPV, PRRSV. Bệnh có thể lây từ đàn này sang đàn khác, hoặc mua heo giống từ những đàn không rõ nguồn gốc.

Nguyên nhân 

Bệnh do Porcine Circoviral Virus type 2 (PCV2) thuộc họ Circoviridae gây ra. Đây là một loại AND virus, sợi đơn không phân đoạn, dạng trần, capsid có đường kính 17 mm. Type virus này thường tồn tại khá lâu trong khu vực chăn nuôi bởi nó có sức đề kháng cao với hầu hết các loại thuốc sát trùng thông thường.

Hội chứng còi cọc ở heo con

Đặc điểm dịch tễ

Mọi lứa tuổi heo đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, bệnh xảy ra trầm trọng trên heo con sau khi đã cai sữa (khoảng 6 – 9 tuần tuổi). 

Bệnh xảy ra quanh năm, không phụ thuộc vào mùa vụ, khí hậu. Theo kết quả khảo sát, ở các đàn nái ngoại cao sản, heo được chăn nuôi công nghiệp thì bệnh xảy ra phổ biến hơn, tỷ lệ heo con mắc hội chứng còi cọc nhiều hơn so với các giống heo địa phương được chăn nuôi theo hướng phân tán, nhỏ lẻ.

Tỷ lệ heo mắc bệnh phổ biến khoảng 1 – 5% trong đàn, nhưng cũng có những trại tỷ lệ mắc cao, có thể tới 50%. Bệnh có thể lây truyền từ heo bệnh sang heo khỏe qua phân, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc cũng truyền theo chiều dọc (qua tinh dịch, qua nhau thai…).

 

Triệu chứng

Triệu chứng điển hình nhất là heo còi cọc và chậm lớn hơn rất nhiều so với các con khác cùng ổ hoặc cùng lứa tuổi. Ngoài ra, heo có thể xuất hiện triệu chứng của viêm phổi hoặc tiêu chảy, dùng kháng sinh để điều trị thì không mang lại kết quả. Một số con có dấu hiệu lười vận động, da khô, nhăn nheo, có màu xanh, đôi khi có màu vàng xanh vàng. Một số khác thấy viêm da vành tai và da phía sau đùi, dần dần lan ra toàn thân.

 

Bệnh tích

Thân, thịt có màu vàng. Lách và nhiều hạch bạch huyết sưng to, đặc biệt là hạch háng giữa 2 chân sau. Hạch lâm ba màng treo ruột bị sưng, ruột viêm, xuất huyết. Thận viêm, sưng có những điểm trắng trên bề mặt. Phổi dai, viêm kẽ mô phổi. Phù nề, ứ dịch ở các mô, cơ quan trong xoang ngực, xoang bụng.

 

Chẩn đoán

Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, đặc điểm dịch tễ, bệnh tích có thể chẩn đoán sơ bộ được bệnh.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, cần áp dụng các phương pháp trong phòng thí nghiệm để khẳng định bệnh. Các phương pháp thường dùng là tìm kháng thể kháng huyết thanh PCV- 2 trong huyết thanh , trong tinh dịch, trong các tế bào nội tạng như thận, hạch lâm ba… bằng PCR, RT- PCR, ELISA.

Ở những nơi bệnh xuất hiện lần đầu tiên thì buộc phải phân lập, giám định PCV- 2 từ tế bào thận heo nghi mắc bệnh.

 

Trị bệnh

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi có bệnh xảy ra trong đàn thì tiến hành loại bỏ những con có biểu hiện bệnh nặng. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại. Tăng cường sức đề kháng cho toàn đàn bằng các loại vitamin, chế phẩm sinh học như: Multivitamin, Beta-Glucan…

 

Phòng bệnh

Thực hiện tiêm phòng vaccine cho heo nái. Hiện, trên thế giới có một số vaccine đang được sử dụng rộng rãi như:

Circovac của Pháp: Tiêm 2 ml/nái lúc 2 – 3 tuần trước khi đẻ nhằm tạo miễn dịch thụ động cho đàn con. Nếu nái đẻ chửa lần đầu thì phải tiêm 2 lần, lần 1 vào lúc nái chửa 80 – 84 ngày, lần 2 nhắc lại lúc nái chửa 100 ngày. Vì miễn dịch tạo ra ngắn nên mỗi lần tiếp theo, heo nái chửa phải được tiêm nhắc lại vaccine vào lúc 15 ngày trước khi sinh.

Circumvent.VM.PVC của Hà Lan: Là vaccine sống nhược độc tiêm cho heo sơ sinh lúc 3 tuần tuổi cho những cơ sở chăn nuôi đã từng mắc bệnh, tiêm nhắc lại lần 2 sau 3 tuần để loại bỏ sự lây nhiễm PCV- 2 tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa bệnh.

Bên cạnh đó, người nuôi cần áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Trong quá trình nuôi đảm bảo thức ăn có chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng. 
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *