Trường ÐH Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) vừa phối hợp với Sở KH&CN Bình Định tổ chức hội thảo về thực trạng chăn nuôi và mô hình xử lý chất thải chăn nuôi heo quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đưa ra một số giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi heo quy mô nhỏ, chi phí thấp để các nông hộ có thể áp dụng; góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm do chăn nuôi heo.
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 770 trang trại chăn nuôi heo quy mô nhỏ, vừa và lớn, tập trung chủ yếu tại huyện Hoài Ân, Phù Cát và TX An Nhơn. Đến cuối năm 2023, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hơn 686.230 con; trong đó, đàn heo nuôi tại nông hộ khoảng 460 nghìn con. Với số lượng này, chất thải rắn từ hoạt động chăn nuôi thải ra khoảng hơn 1.000 tấn/ngày và lưu lượng nước thải khoảng hơn 21.900 m3/ngày. Nếu không xử lý tốt, đây sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Khoảng 65% hộ chăn nuôi heo có công trình xử lý chất thải
Thực tế quan trắc chất lượng nước mặt tại khu vực có tiếp nhận nước thải chăn nuôi heo ở huyện Hoài Ân và TX Hoài Nhơn cho thấy, các chỉ tiêu NO2, DO, COD, Amoni, Coliform… đều vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi heo hiệu quả; tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường và đời sống.
Việc áp dụng các mô hình, giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi heo theo phương pháp tiên tiến vừa mang lại lợi ích cho người chăn nuôi, vừa bảo vệ môi trường.
– Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi heo ở huyện Hoài Ân đang vệ sinh chuồng trại. Ảnh: V.L
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), khoảng 65% hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh có công trình biogas xử lý chất thải và nước thải. Tuy nhiên thực tế, phần lớn công trình biogas bị quá tải, hoặc người chăn nuôi vận hành, sử dụng chưa đúng cách nên quá trình xử lý chưa đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Thông, ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn), cho hay: “Khoảng 5 năm nay, gia đình tôi xây dựng công trình hầm biogas để xử lý chất thải và nước thải chăn nuôi heo. So với lúc chưa có công trình biogas, mức độ ảnh hưởng môi trường do chăn nuôi heo giảm rất nhiều. Nhưng thú thật, để hết hẳn mùi hôi thì rất khó”.
Còn bà Lê Thị Liên, ở xã Cát Lâm (huyện Phù Cát), chia sẻ: “Gia đình tôi làm công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi heo, nhưng do hạn chế về vốn đầu tư nên chỉ có thể làm công trình có công suất xử lý nhỏ. Nhiều lúc heo tăng giá, gia đình nâng số lượng đàn dẫn đến chất thải, nước thải nhiều, hầm biogas xử lý không kịp, khiến môi trường xung quanh cũng bị ảnh hưởng”.
Cần áp dụng mô hình xử lý chất thải tiên tiến hơn
TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết: Hằng năm, các đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ môi trường cấp huyện, xã về công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong hoạt động chăn nuôi heo. Ngoài ra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi heo xử lý mùi hôi chuồng trại, chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, ngoài nỗ lực của ngành chức năng và chính quyền địa phương, việc người chăn nuôi chủ động, tích cực áp dụng các mô hình xử lý chất thải tiên tiến là rất cần thiết.
Theo đại diện Trường ĐH Văn Lang, đơn vị đã và đang triển khai thí điểm 2 mô hình xử lý chất thải chăn nuôi heo quy mô nhỏ (từ 50 – 100 con) bằng công nghệ lọc sinh học tuần hoàn và Wetland tại một số nông hộ ở huyện Hoài Ân. Kết quả bước đầu mang lại nhiều tín hiệu tích cực, xung quanh khu vực chuồng trại chăn nuôi không phát sinh mùi hôi và nước thải xả ra môi trường đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép.
Th.S Nguyễn Văn Nghĩa, Trường ĐH Văn Lang, cho biết: 2 mô hình đều áp dụng công nghệ sinh học kết hợp với hóa – lý. Trong đó, tập trung xử lý ô nhiễm hữu cơ trong nước thải thông qua các công đoạn xử lý sinh học kỵ khí (hầm biogas), thiếu khí (bể thiếu khí khuấy trộn đáy) và hiếu khí (bể hiếu khí có giá thể lơ lửng và lọc sinh học hiếu khí).
“Kết quả phân tích chất lượng nước thải và xử lý chất thải tại các nông hộ sau khi áp dụng mô hình cho thấy hiệu quả cao. Các thông số về NO2, TSS, COD, BOD, Amoni, Coliform đều nằm trong biên độ tiêu chuẩn cho phép theo quy định. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư xây dựng các mô hình không quá cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi, năng lực kinh tế cấp nông hộ”, Th.S Nghĩa cho biết thêm.
Văn Lực
Nguồn: Báo Bình Định