Xử lý bệnh nấm phổi ở gia cầm

(Người Chăn Nuôi) – Bệnh do nấm Aspergillus fumigatus gây ra. Ở không khí các bào tử nấm xâm nhập vào phổi và túi khí của gia cầm qua bụi hít vào từ mũi, khí quản, khi sức đề kháng giảm thì bệnh nặng lên.

Nguyên nhân

Bệnh do nấm Aspergillus fumigatus gây ra. Ở không khí các bào tử nấm xâm nhập vào phổi và túi khí của gia cầm qua bụi hít vào từ mũi, khí quản, khi sức đề kháng giảm thì bệnh nặng lên.

 

Đường truyền lây

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bào tử được phát tán khắp nơi chủ yếu từ chất độn chuồng ổ rơm, từ thức ăn bị nhiễm nấm, từ nền chuồng… gia cầm hít phải các bào tử này và bị nhiễm bệnh. Ngoài ra bệnh còn có thể lây qua đường tiêu hóa.

 

Triệu chứng

Thời gian nung bệnh 3 – 10 ngày. Thể cấp thường thấy ở gia cầm con 1- 3 tuần tuổi, tỷ lệ chết 50 – 80%. Thể mãn thường thấy ở gà lớn, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết thấp. Khi gia cầm mắc bệnh có biểu hiện ủ rũ, kém ăn, khó thở, ho, phải ngồi để thở, đặc biệt không nghe tiếng khò khè, chảy nước mũi như ở một số bệnh đường hô hấp khác (IB, LTI, CRD…). Trong chăn nuôi tập trung, bệnh thường lây lan đồng loạt và chết ngay sau 1 – 2 ngày ở gia cầm non 1 – 2 tuần tuổi. Thể bệnh mãn tính thường thấy ở gia cầm trưởng thành, viêm đường hô hấp điển hình kéo dài. Gia cầm chết do gầy rạc và suy hô hấp.

 

Bệnh tích

Có những u nấm to nhỏ màu trắng hay vàng xám ở trên phổi và thành túi khí, khi tách u nấm ra rất dễ dàng. U nấm chia làm 2 thể:

– U hạt có giới hạn rõ ràng, nổi rõ trên bề mặt tổ chức, thường thấy ở thể cấp (Phổi viêm có thể có những vùng gan hóa, phù và tụ máu đỏ, thỉnh thoảng có những đám hoại tử, niêm mạc khí quản xung huyết có nhiều dịch nhờn).

– U lan tràn thì không thể đếm được, u không có giới hạn, mọc khắp các tổ chức, thường gặp ở thể mãn tính (thành túi khí dày, xoang túi khí hẹp chứa nhiều mũ và fibrin, ngoài ra còn có những hạt nấm mọc ở gan, lách, tim, phúc mạc, màng treo ruột. Niêm mạc dạ dày và ruột viêm đỏ).

 

Chẩn đoán

Dựa vào dấu hiệu lâm sàng cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau đây:

– Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB), bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT): Gà thở khó và có tiếng ồn, có tiếng khò khè và tiếng ọt.

– Nấm phổi thở khó nhưng không có tiếng động.

– Bệnh thương hàn: Phổi có nốt trắng nhưng đó là nốt hoại tử, ngoài ra còn hoại tử ở gan và lách.

 

Điều trị

Tìm và cắt đứt nguồn bệnh, nếu nấm trong chất độn chuồng thì phải thay ngay chất độn chuồng mới, khô, sạch, không nấm mốc. Loại những con gia cầm mắc bệnh nặng vì điều trị không hiệu quả. Chọn những con có biểu hiện khó thở ra 1 ô để điều trị tích cực và chăm sóc sẽ tốt hơn.

Dùng một trong các loại thuốc sau: Nistatin, Mycostatin, Amphotericin B. Ngoài ra còn có thể dùng các hóa chất diệt nấm như Rystanviolet, Sulfat đồng. Dùng 5 – 7 ngày liên tục tùy mức độ của bệnh (nên cân gia cầm để tính liều lượng thuốc cho chính xác). Kết hợp bổ sung vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực cho gia cầm.

 

Phòng bệnh

Cung cấp thức ăn tốt, đầy đủ dinh dưỡng cho gia cầm. Sát trùng chuồng trại, các chất độn chuồng phải được xử lý bằng hóa chất, sát trùng trước khi đưa vào trại. Thay ổ rơm hay chất độn chuồng thường xuyên, chuồng phải khô ráo, không ẩm ướt, thức ăn không dùng thức ăn cũ, lâu ngày. Không ấp trứng của những gia cầm bệnh, trước khi ấp trứng, máy ấp phải được xông bằng Formol và thuốc tím theo tỷ lệ 2:1.

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch

(Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *