Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh: Mở lối xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Trong khi xuất khẩu (XK) thịt và sản phẩm từ thịt tháng 4/2021 chỉ mang về 6,95 triệu USD, Việt Nam phải chi tới 127,18 triệu USD nhập khẩu sản phẩm tương tự. Việc thiếu các vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) khiến XK sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam mới dừng ở con số rất khiêm tốt.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2021, XK thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam đạt 2,15 nghìn tấn, trị giá 6,95 triệu USD, tăng 27,1% về lượng và tăng 3,7% về trị giá so với tháng 3/2021, chủ yếu được XK sang các thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và Thái Lan…

Ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, theo yêu cầu của quốc tế, để XK sản phẩm động vật Việt Nam sang các nước, chúng ta phải đảm bảo tuân thủ quy định của quốc tế, cụ thể là theo WTO và OIE. Trong đó, động vật, sản phẩm động vật phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ có cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học. "Tính đến tháng 5/2021, Việt Nam đã có 2.288 cơ sở và vùng chăn nuôi khép kín nhưng mới đạt theo tiêu chuẩn của Việt Nam, còn theo OIE thì chưa có" – ông Long cho hay.

chế biến thịt lợn

Sản phẩm tươi sống phải có nguồn gốc rõ ràng, an toàn dịch bệnh

Hiện, dịch bệnh lây lan nguy hiểm nên các quốc gia yêu cầu rất cao và khắt khe trong đánh giá, thẩm định, chấp nhận sản phẩm tươi sống của Việt Nam XK sang các nước. Trong khi đó, việc tổ chức triển khai chăn nuôi an toàn ở Việt Nam khó khăn, nhất là kiểm soát dịch bệnh, giám sát vùng, chuỗi an toàn ở cơ sở.

Trong thời gian qua, việc tổ chức đàm phán với các nước liên quan đến XK sản phẩm động vật đã được các cơ quan chức năng đẩy mạnh triển khai. Trên cơ sở những kết quả đạt được, để thực hiện tốt XK sản phẩm động vật trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là sản phẩm động vật phải xuất phát từ vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE.

Làm được điều này, trước hết, cần tổ chức kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh trên các đàn vật nuôi trên cả nước. Bên cạnh đó, cần có chương trình quốc gia giám sát, chứng minh sản phẩm chăn nuôi không có mầm bệnh, đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường XK.

Hiện, cả nước có 15 vùng an toàn dịch bệnh, cần phối hợp với các tỉnh để nâng cấp các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam lên vùng an toàn theo tiêu chuẩn của OIE. Do vậy, các địa phương cần có kế hoạch xây dựng vùng chăn nuôi trọng điểm đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đồng thời, cần lưu ý việc phân bố các loại động vật chăn nuôi và kiểm soát, duy trì vùng an toàn dịch bệnh, nhất là kiểm soát động vật ra – vào vùng.

Riêng đối với sản phẩm lông vũ, ông Nguyễn Văn Long cho hay, hiện các nước nhập khẩu có yêu cầu rất cao đối với sản phẩm lông vũ XK. Bên cạnh đó, lông vũ phải được lấy từ gia cầm khỏe mạnh trong vùng an toàn dịch bệnh và đảm bảo không có tạp chất. Hiện, một số thị trường cao cấp như EU, Mỹ đang có yêu cầu kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch XK đối với lông vũ đã qua xử lý nhiệt, hóa chất làm phát sinh chi phí và thời gian. Trong khi đó, Việt Nam hiện đã miễn kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm lông vũ. Cục Thú y đang nghiên cứu để đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho các DN.

>> Bên cạnh sự nỗ lực từ cơ quan chức năng, cần sự vào cuộc của DN, địa phương và hỗ trợ của OIE để xây dựng thành công các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE.

Nguyễn Hạnh

Nguồn: Báo Công thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *