Xây dựng HTX chăn nuôi theo hướng công nghệ cao

Từ nguồn vốn vay của Quỹ Đồng hành với thanh niên tỉnh Đồng Nai, anh Lê Phi Long, Giám đốc HTX Chăn nuôi sinh học (H.Long Thành, Đồng Nai) đã gầy dựng cơ sở chăn nuôi và thành lập HTX để liên kết các thành viên cùng chí hướng phát triển mô hình chăn nuôi an toàn.

Sau nhiều nỗ lực học tập kinh nghiệm, tìm hiểu trong sách vở và thực tế, HTX của anh đã đạt doanh thu hàng tỷ đồng. Thành công trong chăn nuôi đã giúp anh trở thành một trong 57 nhà nông trẻ đạt Giải thưởng Lương Định Của.

Gầy dựng từ vốn vay thanh niên

Anh Lê Phi Long tốt nghiệp chuyên ngành thú y, sau khi làm việc 3 năm ở trại nuôi heo H.Trảng Bom đã chuyển về làm nhân viên thú y tại xã Bình Sơn, H.Long Thành. Khi đi nhiều, gặp gỡ nhiều hộ dân trong xã anh nhận thấy mặc dù số lượng hộ chăn nuôi gà thả vườn lớn nhất huyện, nhưng người dân lại vất vả và không có thu nhập cao, nên anh đã quyết tâm nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nuôi gà sinh học. Năm 2017, anh vay 25 triệu đồng từ Quỹ Đồng hành với thanh niên tỉnh Đồng Nai và thử nghiệm chăn nuôi 500 con gà theo kiểu an toàn sinh học, không dùng thuốc kháng sinh.

Hai năm đầu, mô hình này thất bại không ít lần do thiếu kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ bấp bênh, phụ thuộc chủ yếu vào thương lái. Không nản chí, anh lên Đắk Nông học hỏi kỹ thuật nuôi gà, mạnh dạn vay thêm vốn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi. Năm 2020, anh Long tham gia cuộc thi Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với chương trình OCOP do Tỉnh đoàn tổ chức và đoạt giải ba.

HTX chăn nuôi sinh học

Gà trong trang trại của anh Lê Phi Long được chăn nuôi theo hướng sinh học, an toàn với người tiêu dùng

Cuối năm 2020, được sự hỗ trợ từ địa phương và Liên minh HTX tỉnh, HTX Chăn nuôi sinh học chính thức được thành lập với 7 thành viên, văn phòng đặt tại ấp 7, xã Bình Sơn. HTX hiện đang tạo việc làm và thu nhập ổn định, thường xuyên cho 14 lao động và tạo việc làm thời vụ cho 15 lao động tại địa phương, doanh thu năm 2022 đạt hơn 6 tỷ đồng.

Theo anh Lê Phi Long, hoạt động kinh doanh chính của HTX là chăn nuôi gà ta thả vườn xuất bán cho thương lái và cơ sở giết mổ; tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Bên cạnh đó, hoạt động của HTX cũng tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cho địa phương thông qua việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt góp phần xây dựng nông thôn mới cho địa phương.

Để thu hút nhiều thanh niên, xã viên vào HTX

Ngoài việc tập trung vào hoạt động kinh tế, điều hành HTX thì anh Lê Phi Long cũng là người làm công tác Đoàn thanh niên cơ sở tại địa phương nên rất muốn có thêm nhiều thanh niên gia nhập, hợp tác với mình để phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng sinh học.

Hiện sản phẩm chủ lực của HTX là gà nuôi an toàn sinh học, do đó đòi hỏi nhiều quy định nghiêm ngặt hơn so với nuôi gà truyền thống, đại trà từ cách chọn giống, chăm sóc, tiêm phòng qua từng giai đoạn. Để gà khỏe mạnh, đảm bảo thịt không tồn dư kháng sinh, anh Long sử dụng các chế phẩm sinh học để làm nền tảng cho quy trình chăn nuôi. Trong đó, sử dụng acid hữu cơ, tỏi, gừng, bảo vệ gan, đường ruột cho gà, nhất là gà con; dùng men vi sinh và trấu lót đệm chuồng giúp hút ẩm, giảm mùi, tránh bệnh cho gà. Khi gà khỏe, người nuôi không cần can thiệp, chăm sóc nhiều.

Làm thế nào để kêu gọi thanh niên tham gia vào các hoạt động của HTX đang là vấn đề trăn trở của anh Long. Anh thường tuyên truyền các quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia HTX với mong muốn phát huy nghề chăn nuôi của địa phương theo hướng bền vững.

“Khi tham gia vào liên kết sản xuất, thành viên HTX có nguồn thu nhập ổn định, được hướng dẫn quy trình chăm sóc, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, được định hướng sản lượng nuôi hàng năm, giảm chi phí đầu vào. HTX cũng liên hệ với công ty giống và thuốc thú y cung cấp dịch vụ cho HTX nên giá gà giống, thuốc thú y giảm so với giá thị trường, nhờ đó phần nào giảm chi phí đầu tư” – anh Lê Phi Long chia sẻ.

Hướng đi của HTX Chăn nuôi sinh học là mở rộng thêm mảng chăn nuôi bò và heo rừng lai. Để xây dựng mô hình thì cũng đầu tư một khoản vốn ban đầu lớn, bao gồm chi phí thuê đất, xây dựng chuồng trại, mua con giống và các kỹ thuật phức tạp hơn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chăn nuôi an toàn rộng mở nhưng lại chịu sự cạnh tranh gay gắt với những sản phẩm chưa có chất lượng cao, trong khi đó người tiêu dùng lại chưa thật sự am hiểu. Cũng như các đơn vị khác, anh Long mong muốn được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, con giống, hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị chăn nuôi của người dân tại địa phương.

Đào Lê

Nguồn: Báo Đồng Nai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *