VUSTA cho rằng, nhiều quy định của 2 luật này đã không còn phù hợp, gây phát sinh chi phí sản xuất và bỏ lỡ cơ hội cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Nhiều quy định đã không còn phù hợp
Ngày 3/1/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã có Văn bản số 01/LHHVN gửi Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Pháp luật; Bộ Khoa học và Công nghệ về việc góp ý xây dựng văn bản pháp luật.
Văn bản nêu, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây viết tắt là Luật CLSP) và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (sau đây viết tắt là Luật TCQC) là 2 luật “gốc” có mức độ và phạm vi ảnh hưởng rất lớn, quyết định toàn bộ cách thức tiếp cận và phương thức kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa và chi phí sản xuất sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Trong đó, Luật CLSP chi phối tới 79 văn bản và Luật TCQC chi phối tới 104 văn bản luật, pháp lệnh quản lý chuyên ngành liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam. Luật TCQC được ban hành năm 2006 và Luật CLSP ban hành năm 2007 đã có tác dụng tích cực trong vấn đề kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa của nước ta.
VUSTA kiến nghị sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật. Ảnh: Hồng Thắm.
Do thực tiễn phát triển của trình độ, năng lực sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa trong nước tăng nhanh, đặc biệt là vấn đề hội nhập ngày càng sâu, rộng của kinh tế và hàng hóa Việt Nam với thế giới, mà nhiều quy định của 2 luật này đã không còn phù hợp, gây phát sinh chi phí sản xuất và bỏ lỡ cơ hội cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc Quốc hội chủ trương cho phép sửa 2 luật này là rất cần thiết.
Ngày 13/12/2024, VUSTA đã phối hợp với các hội, hiệp hội ngành hàng tổ chức Hội thảo khoa học về “Những vấn đề tồn tại, bất cập của Luật CLSP và Luật TCQC” với sự tham gia của 150 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam xin kiến nghị với Chủ tịch và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan một số nội dung cần sửa đổi của Luật TCQC và Luật CLSP như sau:
Hợp nhất Luật TCQC vào Luật CLSP, trong đó dành một số chương, điều quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, lý do: Khái niệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay là đã bao hàm cả yếu tố an toàn sản phẩm của hàng hóa. Tiêu chuẩn chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật là một công cụ để quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, hàng hóa. Trong thực tế hiện nay có nhiều quy định của 2 Luật này đang trùng lặp nhau. Tiện lợi cho các cơ quan quản lý và người dân truy cập và thực thi pháp luật.
Kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy
Về nội dung chỉnh sửa, bổ sung Luật TCQC, VUSTA cho hay, cần thống nhất quan điểm Quy chuẩn kỹ thuật là những quy định của Nhà nước đưa ra nhằm đảm bảo các yêu cầu an toàn của sản phẩm, hàng hóa với con người, môi trường, an ninh quốc gia… bắt buộc các đối tượng chịu tác động phải chấp hành và là căn cứ để xử lý các vi phạm khi được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện.
Theo đó, người sản xuất, kinh doanh căn cứ vào những quy định của các Quy chuẩn kỹ thuật do Nhà nước ban hành, để công bố chất lượng sản phẩm của mình phù hợp với quy định của Nhà nước. Không áp dụng hình thức công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa như quy định hiện hành và trong dự thảo sửa đổi.
Theo VUSTA, lý do bỏ quy định công bố hợp quy là do việc công bố hợp quy sản phẩm hiện nay rất hình thức, không có ý nghĩa trong thực tế quản lý, song đang gây phát sinh nhiều chi phí vật chất và thời gian cho người sản xuất, kinh doanh. Tăng chi phí sản xuất và lỡ cơ hội kinh doanh. Gây cản trở cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.
VUSTA cũng phân tích những hệ quả của quy định phải công bố hợp quy sản phẩm, đó là phát sinh thêm chi phí và thời gian vật chất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa, mà đối tượng phải chịu chính là sản phẩm, hàng hóa và người tiêu dùng Việt Nam.
Đồng thời, chi phí này hoàn toàn do các tổ chức chứng nhận sự phù hợp thu và chi cho các hoạt động của mình, ngân sách Nhà nước không được lợi gì.
Hơn nữa, đây là căn nguyên phát sinh tiêu cực, làm mất đi niềm tin và sự nghiêm minh của pháp luật. Để né tránh những bất cập này, các doanh nghiệp phải tìm cách thỏa hiệp (vì qua ý kiến phản ánh, trong thực tế kiểm tra hàng ngàn lô hàng hóa nhập khẩu của các bộ chuyên ngành, hầu như rất ít có phát hiện về vi phạm hợp quy).
VUSTA cũng đề xuất, không nên quy định quá cụ thể và bắt buộc về chất lượng và an toàn sản phẩm với hàng hóa xuất khẩu, tùy theo yêu cầu đặt hàng của mỗi quốc gia, thị trường.
VUSTA phân tích, theo quan điểm này, mà Luật CLSP và Luật TCQC hiện hành, không quy định hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, để tùy thuộc yêu cầu của nước nhập. Nhờ quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng mạnh hoạt động xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, trong nội dung sửa đổi Luật TCQC đang trình các cơ quan của Quốc hội thẩm định, lại đưa quy định công bố hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu tương tự như sản phẩm, hàng hóa trong nước là không phù hợp, sẽ phát sinh rất nhiều bất lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Xin kiến nghị Quốc hội thẩm định, giữ nguyên nội dung này như luật hiện hành.
Nếu không hợp nhất, phải đảm bảo tính thống nhất quy phạm
Trong trường hợp Quốc hội vẫn chủ trương thông qua Luật TCQC mà không hợp nhất với Luật CLSP, kiến nghị cần bổ sung thêm các chế tài, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng, ban hành các luật, văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan đến chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa, phải đảm bảo tính thống nhất quy phạm và quan điểm kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Vì trong thực tế triển khai luật TCQC vừa qua, mỗi bộ, ngành vận dụng một cách khác nhau, thậm chí ngay trong cùng một bộ thì mỗi đơn vị vận dụng một kiểu theo chủ quan của mình, gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp và mất đi tính nhất thể hóa trong cách thức, phương pháp kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm tạo sức mạnh thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam.
Không áp dụng hình thức công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa như quy định hiện hành và trong dự thảo sửa đổi. Ảnh: NNVN.
Đối với Luật CLSP, nhiều nội dung quy định trong Luật CLSP không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và hội nhập quốc tế. Những quy định bất cập này, hoặc không được người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, gây phát sinh tiêu cực hoặc làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
VUSTA kính đề nghị Quốc hội xem xét, sớm cho nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Luật CLSP phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, nâng tầm chất lượng, an toàn và sức cạnh tranh của thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Toàn bộ Văn bản số 01/LHHVN tại đây.