(Người Chăn Nuôi) – Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã trở thành hiệp hội ngành hàng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp lớn và vừa hoạt động trong nhiều lĩnh vực, Hiệp hội đã đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V (2024 – 2029), PV Tạp chí Thế giới Gia cầm đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch VIPA.
Thưa ông, trong 20 năm qua, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh và có nhiều đóng góp quan trọng đối với ngành gia cầm nói riêng cũng như ngành chăn nuôi ở nước ta nói chung, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Với quy mô lớn và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ngày càng được mở rộng, VIPA đã và đang đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành gia cầm nước ta. Có thể nói, Hiệp hội là lực lượng nòng cốt trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, phương thức chăn nuôi gia cầm ở nước ta theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp.
Các doanh nghiệp, đơn vị của Hiệp hội đang đi tiên phong trong chọn tạo, sản xuất giống gia cầm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thiết bị và đặc biệt là đi đầu trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Đến nay, các sản phẩm của VIPA chiếm khoảng 60 – 80% thị phần của cả nước, đóng góp quan trọng về GDP của ngành chăn nuôi nước ta.
Thời gian qua, ngành chăn nuôi gia cầm nước ta phải đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, VIPA đã có rất nhiều hành động cụ thể, kiến nghị đến Bộ NN&PTNT các giải pháp để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về sự đồng hành của Hiệp hội với doanh nghiệp thời gian qua để giảm bớt được những trở ngại?
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành gia cầm, những năm qua, VIPA đã có nhiều đóng góp quan trọng việc xây dựng cơ chế chính sách, đề xuất kiến nghị hàng loạt giải pháp. Trong đó, có thể kể đến sự tham gia tích cực có hiệu quả của Hiệp hội trong việc xây dựng Luật Chăn nuôi, Chiến lược Phát triển ngành chăn nuôi; Các kiến nghị về bổ sung danh mục đất đai dành cho chăn nuôi tại Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung; Kiến nghị không rút ngắn lộ trình giảm thuế nhập khẩu thịt gà; Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; cắt giảm các thủ tục hành chính cản trở sự phát triển của ngành chăn nuôi. Đặc biệt, VIPA đã và đang tích cực đấu tranh phòng, chống buôn lậu gia cầm qua biên giới để góp phần lành mạnh hóa thị trường trong nước.
Đồng thời, VIPA đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ, đầu tư, nghiên cứu khoa học, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, nhằm tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường, mở rộng quan hệ thương mại quốc tế; Tổ chức thành công các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức về kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp và hội nhập kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng coi trọng công tác truyền thông, cung cấp kịp thời thông tin mới về khoa học công nghệ, tình hình sản xuất và thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp thành viên.
Trong các hoạt động của VIPA, Ban Chấp hành Hiệp hội đã có những chương trình, hành động, giải pháp thiết thực nào để cùng các doanh nghiệp tăng cường giao thương nội khối, tạo mối liên kết bền chặt trong ngành chăn nuôi gia cầm, thưa ông?
Đồng thời với việc thực hiện tốt vai trò tư vấn, giám sát, phản biện đối với các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, một trong những nét đặc sắc của VIPA là hoạt động “đẩy mạnh giao thương nội khối”.
Là tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận, hoạt động của VIPA không nhằm tạo ra lợi nhuận cho bản thân Hiệp hội, mà chủ yếu hướng đến hội viên, gia tăng lợi ích, tạo cơ hội, thuận lợi hóa sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp thành viên. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, VIPA đã ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động và thành lập các Nhóm giao thương nội khối và hợp tác chiến lược, thực hiện chuỗi liên kết giữa các hội viên trong sản xuất, kinh doanh. Hoạt động giao thương nội khối là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các hoạt động của Hiệp hội, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội.
Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người chăn nuôi gia cầm, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam đề ra những mục tiêu cụ thể và hành động ra sao trong thời gian tới, thưa ông?
Mục tiêu bao trùm của Hiệp hội trong giai đoạn tới là gia tăng 4 giá trị cốt lõi và cơ bản cho các thành viên. Đó là Giá trị kết nối – Giá trị thông tin – Giá trị tinh thần và Giá trị kinh tế.
Để đạt được đầy đủ các mục tiêu này, thời gian tới, Hiệp hội sẽ kiện toàn Ban Lãnh đạo và nâng cao năng lực quản trị. Theo đó, sẽ tạo điều kiện cho nhiều chủ doanh nghiệp trẻ có năng lực, nhiệt huyết tham gia lãnh đạo; Sắp xếp lại các ban chuyên môn để hoạt động thực chất và hiệu quả hơn; Đổi mới hình thức và nội dung hoạt động của Hiệp hội; Thúc đẩy tinh thần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành hàng, giữa các chủ thể Nhà nước, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp; Củng cố thương hiệu, danh tiếng ngành hàng. Hiệp hội là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, là biểu tượng ngành hàng trên thị trường trong nước và quốc tế. Phấn đấu Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam không chỉ là tên gọi mà trở thành thương hiệu có uy tín trong nước và quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!
Vũ Mưa
(Thực hiện)