Vĩnh Phúc: Quyết liệt các giải pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái diễn

Gần 3 tháng nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) không phát sinh trên địa bàn tỉnh nhưng lại đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, nhu cầu buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật dịp cuối năm tăng khiến nguy cơ lây lan, phát sinh dịch bệnh là rất lớn. Để ngăn chặn DTLCP tái diễn, góp phần bảo đảm nguồn cung thịt lợn dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương, các hộ chăn nuôi triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Chị Đào Thị Liên – một trong những hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn xã Nguyệt Đức (Yên Lạc) chia sẻ: DTLCP là bệnh có khả năng lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Đặc biệt, bệnh có thể lây lan gián tiếp qua các vật chủ trung gian mang mầm bệnh như côn trùng, động vật gặm nhấm.

Vì vậy, cùng với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình khử trùng chuồng nuôi, gia đình chị tuyệt đối không cho người lạ vào khu chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ, đúng thời gian các loại vắc xin, lấy thức ăn chăn nuôi trực tiếp từ các nhà máy tránh không qua trung gian làm lây lan dịch bệnh. Hiện nay, trang trại luôn duy trì 200 lợn thịt, 40 lợn nái.

khử trùng chuồng trại chăn nuôi

Gia đình ông Nguyễn Hữu Tạo, xã Tuân Chính (Vĩnh Tường) tăng cường phun thuốc khử trùng chuồng trại góp phần phòng chống bệnh DTLCP cho đàn vật nuôi. Ảnh: Thế Hùng

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt 458.700 con, tăng 1,97% so với cùng kỳ năm 2020.

Để ngăn chặn nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, chi cục đã triển khai 2 đợt tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi.

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản, đặc biệt là bệnh DTLCP đến từng thôn, xóm, hộ chăn nuôi.

Phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường, Công an kinh tế huyện Yên Lạc thực hiện kiểm tra và xử lý 2 vụ buôn bán động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, tiêu hủy 305 kg lợn bệnh.

Chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Lạc phối hợp với xã Văn Tiến tiêu hủy 200 con lợn mắc bệnh DTLCP có nguồn gốc từ tỉnh Bình Phước.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi gia súc, gia cầm các biện pháp kỹ thuật về chọn giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, giúp người chăn nuôi phát triển ổn định với số lượng đầu con hợp lý, tránh xảy ra tình trạng cung vượt cầu.

Đến nay, đã gần 3 tháng, trên địa bàn tỉnh không phát sinh ổ dịch DTLCP, trong năm 2021, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh không phát sinh.

Tuy nhiên, bệnh DTLCP hiện đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng số lợn buộc tiêu hủy trên 230.000 con, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn.

Đặc biệt, thời điểm này, các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn tăng cao khiến nguy cơ lây lan, bùng phát DTLCP là rất lớn.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt là DTLCP, vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP các huyện, thành phố.

Tùy theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai kịp thời, đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTLCP theo quy định.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh DTLCP, chủ động lấy mẫu xét nghiệm bệnh, đặc biệt là các địa phương có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao để kịp thời cảnh báo, xử lý kiểm soát, không để dịch lây lan diện rộng.

Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo theo quy định; thực hiện việc kiểm dịch tại gốc và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bị bệnh để chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn theo quy trình; thực hiện tốt công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi các tháng cuối năm.

Đối với các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, không để phát sinh thêm ổ dịch mới trên địa bàn, đồng thời xử lý tiêu hủy xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chế.

Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Hồng Liên

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *