Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó do khan hiếm nguyên liệu

Dịch Covid -19 bùng phát khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh khó chồng khó, khi vừa thiếu nguyên liệu sản xuất vừa sụt giảm sản lượng tiêu thụ.

Mặc dù là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở tốp đầu thế giới, song nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước hiện nay vẫn chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài với tỉ lệ lên tới 70 – 80%.

Do đó, khi dịch Covid – 19 bùng phát trên toàn cầu, thì việc nhập khẩu và vận chuyển nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động SXKD của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Phương Giang, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư TM&SX Minh Phương, Cụm công nghiệp (CCN) Hợp Thịnh (Tam Dương) cho biết: Từ cuối năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, việc nhập khẩu nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, do đó giá nguyên liệu tăng cao.

thức ăn chăn nuôi

Giá thức ăn chăn nuôi của Công ty cổ phần đầu tư TM&SX Minh Phương hiện đã tăng 20% so với trước khi có dịch.

Có những mặt hàng hiện đã tăng 40% so với thời điểm giữa năm 2020. Trong đó, ngô tăng từ 5.000 đồng/kg lên khoảng 8.000 đồng/kg; đậu tăng từ 9.800 đồng/kg lên gần 13.000 đồng/kg. Đây chính là 2 nguyên liệu chính trong sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay.

Nguyên liệu khan hiếm, giá nguyên liệu tăng cao, kéo theo giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng đáng kể.

Từ tháng 10 năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã được điều chỉnh tăng 6 – 7 lần. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, mặc dù giá thức ăn nuôi đã điều chỉnh tăng song các doanh nghiệp vẫn phải chịu lỗ.

Cụ thể, chi phí sản xuất thời gian này tăng lên 35% so với trước đây do nguyên liệu sản xuất cũng như cước vận chuyển tăng. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm hiện nay mới chỉ điều chỉnh tăng 20%.

Chia sẻ về thực tế này, anh Vũ Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần công nghệ Hà Lan, CCN Hợp Thịnh (Tam Dương) cho hay: “Các doanh nghiệp điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi tăng thấp hơn so với mức tăng của chi phí sản xuất là nhằm mục đích duy trì hệ thống đại lý cũng như chia sẻ khó khăn với bà con nông dân.

Do đó, lợi nhuận của công ty hiện nay chủ yếu từ 2 trang trại chăn nuôi đặt ở tỉnh Thanh Hóa, Riêng SXKD thức ăn chăn nuôi thời điểm này coi như lỗ vốn”.

Không chỉ gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay còn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Dưới tác động của dịch Covid -19, các nhà hàng, quán ăn, trường học đóng cửa, nhu cầu tiêu thụ giảm, khiến giá gia súc, gia cầm sụt giảm đáng kể.

Thêm vào đó là dịch bệnh trong chăn nuôi còn diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng, khiến người chăn nuôi không mặn mà với việc tái đàn, phát triển sản xuất. Điều này đã tác động trực tiếp tới doanh số bán hàng của các công ty.

“Sản lượng tiêu thụ giảm 15% so với thời điểm chưa bùng phát dịch Covid -19, không tăng trưởng theo kế hoạch” – Đó là lời khẳng định của ông Hòa khi được hỏi về kết quả SXKD của đơn vị mình trong thời gian vừa qua.

Tương tự như vậy, ông Lưu Văn Thư, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư TM&SX Minh Phương cũng cho biết: “Nhìn chung, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi mà công ty bán ra trong thời điểm này giảm 40 -50% so với trước đây (khi chưa có dịch). Riêng, các loại cám gia cầm, sản lượng tiêu thụ giảm đến 80%”.

Trước thực tế đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã chủ động tìm kiếm nguyên liệu thay thế như: Giảm tỷ lệ ngô thay bằng lúa mì và sắn. Điều này phần nào giải quyết được khó khăn về nguyên liệu đầu vào cũng như ổn định được giá thức ăn chăn nuôi.

Tuy vậy, trước những khó khăn gặp phải, các doanh nghiệp mong muốn được tỉnh quan tâm hỗ trợ hơn nữa về vốn vay, chi phí thuê mặt bằng, cũng như dịch bệnh sớm được kiểm soát tốt. Có như vậy, hoạt động SXKD mới sớm trở lại hoạt động như trước đây.

Bài, ảnh: Nguyễn Hường

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *