Vĩnh Long: Đẩy mạnh liên kết, chăn nuôi an toàn sinh học

Giá gia súc, gia cầm trong thời gian qua xuống thấp, đầu ra không ổn định, khiến tình hình tái đàn hạn chế.

Để phát triển sản xuất, ngành chăn nuôi tỉnh đã khuyến khích phát triển chăn nuôi gia công nhằm đảm bảo khâu liên kết sản xuất- tiêu thụ, góp phần điều tiết cung cầu, hài hòa lợi ích trong chuỗi giá trị sản phẩm.

 

Giá giảm, người nuôi thua lỗ

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, nhìn chung tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian qua cơ bản từng bước được kiểm soát tốt.

Một số hộ nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang phương thức nuôi công nghiệp, mở rộng quy mô, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cũng như cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều tháng nay, giá một số vật nuôi không ổn định, trong khi giá thức ăn và nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức mua hạn chế, đầu ra gặp nhiều khó khăn.

Hiện giá sản phẩm chăn nuôi như heo hơi, gà công nghiệp trắng hiện vẫn duy trì ở mức thấp, trong đó, người nuôi heo lỗ khoảng 1,8 –  2 triệu đồng/tạ.

nuôi heo

Người chăn nuôi cần chú trọng đầu tư chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng để phòng ngừa dịch bệnh trên vật nuôi.

Tại Vũng Liêm, giá heo hơi cũng đã giảm nhiều so cùng kỳ do ảnh hưởng dịch COVID-19. Nhiều hộ nuôi heo cho hay, thịt heo chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, giá thức ăn tăng cao, phát sinh nhiều chi phí, nên hạn chế tái đàn, chủ yếu tái đàn ở các trang trại, gia trại lớn.

Cô Bùi Thị Tư (xã Tân An Luông- Vũng Liêm), cho hay: “Tôi nuôi được 4 con heo, tiền heo giống tốn 2- 2,5 triệu đồng/con, thêm tiền thức ăn tăng cao quá. Heo của tôi sắp xuất chuồng mà với mức giá hơn 5 triệu đồng/tạ là tôi lỗ gần 2 triệu đồng/con”.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) Lê Thanh Tùng, cho hay: Hầu hết giá sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm đều giảm.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh làm tăng giá thành chăn nuôi. Hiện tại người chăn nuôi heo, gia cầm và cá tra đang trong tình trạng lỗ.

Đồng thời, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm H5N1, dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng cao và đặc biệt bệnh mới xâm nhập vào tỉnh như bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và cúm gia cầm H5N8 có thể ảnh hưởng đến phát triển đàn gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Thời gian qua, bên cạnh việc triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi, đảm bảo người dân an tâm sản xuất, các địa phương cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi gia công để đảm bảo khâu liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm, góp phần điều tiết cung cầu thị trường và hài hòa lợi ích trong chuỗi giá trị sản phẩm.

 

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Theo đánh giá của ngành chức năng, việc sản xuất chăn nuôi trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ, lẻ, chưa thay đổi thói quen, tập quán trong cách nuôi, chưa chú trọng đầu tư chuồng trại,…

Do đó, để tồn tại trong giai đoạn hiện nay- khi mà nhu cầu của thị trường đã ngày càng khắt khe hơn, đòi hỏi hộ chăn nuôi cần phải thay đổi phương thức sản xuất từng bước, quan tâm đầu tư chuồng trại hơn và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để phát triển bền vững.

Vừa nuôi bò, vừa nuôi heo, anh Nguyễn Minh Du (thị trấn Cái Nhum- Mang Thít), cho biết: “Năm nay chăn nuôi khó khăn do dịch bệnh trên heo còn tiềm ẩn, lại xuất hiện dịch bệnh mới trên bò.

nuôi bò

Để chăn nuôi bền vững cần từng bước thay đổi phương thức sản xuất chăn nuôi

Do đó, bên cạnh việc tiêm vắc xin, tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi tôi cũng chú trọng thực hiện việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nền cao ráo, tiêu độc khử trùng. Ngoài rắc vôi bột tôi cũng phun thuốc khử trùng, hạn chế đến mức thấp nhất người ra, vào khu vực chăn nuôi”.

Ông Nguyễn Văn Liêm, cho hay: Sở định hướng phát triển chăn nuôi trang trại, đặc biệt trang trại chăn nuôi quy mô lớn; quản lý và nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm; khuyến khích phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, ứng dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng hiệu quả các quy trình thực hành chăn nuôi tốt, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

“Bên cạnh đó, sở sẽ phối hợp tốt, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, tạo nền tảng phát triển chuỗi liên kết- tiêu thụ bền vững trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh liên kết hộ chăn nuôi theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm”- ông Liêm cho biết thêm.

Nhiều người chăn nuôi cũng bày tỏ mong muốn, ngành chức năng cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời, dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật.

>> 9 tháng đầu năm 2021, đàn heo của tỉnh đạt trên 242.000 con; đàn bò có 86.300 con, đàn gia cầm (không kể vịt chạy đồng) có 9,9 triệu con. Toàn tỉnh hiện có 788 trang trại, trong đó có 12 trang trại lớn, 132 trang trại vừa và 639 trang trại nhỏ.

Năm 2022, phấn đấu phát triển đàn heo đạt 265.000 con, tăng 3,9%; đàn bò 86.500 con, tăng 0,6%; đàn gia cầm 10,8 triệu con, tăng 2,9%, so với năm 2021.

Bài, ảnh: Nguyên Khang

Nguồn: Báo Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *