Vinamilk Green Farm: Trang trại bò sữa kiểu mẫu và hành trình xanh hóa nông nghiệp Việt

(Người Chăn Nuôi) – Không chỉ biến vùng đất cằn cỗi thành “resort bò sữa” chuẩn quốc tế, Vinamilk Green Farm còn truyền cảm hứng phát triển bền vững thông qua triết lý “mở khóa tự nhiên”, kiến tạo vòng tuần hoàn sinh thái khép kín, đồng thời mở rộng lợi ích ra cộng đồng địa phương. 

Tư duy nền tảng cho nông nghiệp bền vững

Giữa miền đất nắng gió Tây Ninh (nay là Long An), nơi từng bị xem là khắc nghiệt với phát triển nông nghiệp, Vinamilk đã kiến tạo nên một trang trại bò sữa kiểu mẫu mang tên Green Farm, với triết lý cốt lõi là “mở khóa tự nhiên”, tận dụng, hài hòa và phát huy tối đa tiềm năng vốn có của thiên nhiên để phát triển bền vững.

Trong chuyến thăm gần đây của hơn 30 chuyên gia từ các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phát triển bền vững, thuộc chương trình Sustainability Connect Trip & Talk do Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD – VCCI) tổ chức, câu chuyện về Green Farm được chia sẻ không chỉ dưới góc nhìn công nghệ, mà còn là hành trình chuyển hóa thách thức thành cơ hội một cách bền vững.

Ba năm “không làm gì” để đất được nghỉ – con số tưởng chừng nghịch lý lại là minh chứng rõ nét cho triết lý này. Trong giai đoạn đó, đất được thanh lọc và phục hồi, chuẩn bị để đạt tiêu chuẩn Organic châu Âu, một trong những chuẩn cao nhất của nông nghiệp hiện nay. Song song, chất thải chăn nuôi được xử lý khép kín, không còn là gánh nặng môi trường mà trở thành “vàng đen”, quay lại phục vụ canh tác.

Green Farm Tây Ninh, mọi hoạt động đều xoay quanh triết lý tuần hoàn – khép kín – bền vững. Mỗi ngày có từ 30 – 45 tấn phân bò được ủ thành phân bón hữu cơ. Khí metan sinh ra trong quá trình xử lý được dẫn vào hệ thống biogas, phục vụ các hoạt động sản xuất như đun nước, sấy quần áo, thanh trùng sữa cho bê… tiết kiệm tới hàng trăm triệu đồng tiền điện mỗi tháng.

Green Farm Tây Ninh

Trang trại bò sữa Green Farm Tây Ninh. Ảnh: Vinamilk

Cỏ Mombasa là thức ăn chủ lực cho bò không chỉ được trồng trên đất hữu cơ mà còn được sấy tại chỗ bằng công nghệ tự sáng chế, giúp giữ dinh dưỡng, cắt giảm chi phí hơn 10 lần so với nhập khẩu. Đây là một trong những sáng kiến giúp kiểm soát phát thải khí nhà kính tại nguồn – điều mà Vinamilk đang ưu tiên hơn cả việc mua tín chỉ carbon.

Tại khu vực chuồng trại nơi sinh sống của hàng nghìn con bò có môi trường mát mẻ luôn được duy trì ở mức 27 – 28 độ C. Từ hệ thống quạt, phun sương tự động, mái che năng lượng mặt trời đến các hồ nước xen kẽ… tất cả được thiết kế như một “khu nghỉ dưỡng” cho bò. Điều đặc biệt là dù được áp dụng nhiều công nghệ 4.0 hiện đại, nhưng triết lý chăm sóc vẫn là tôn trọng tự nhiên, để bò được sống theo tập tính sinh học vốn có, từ đó mang lại chất lượng sữa tối ưu.

Không dừng lại ở nội bộ trang trại, Vinamilk còn mở rộng mô hình tuần hoàn ra cộng đồng địa phương. Nông dân không chỉ được cung cấp phân bón hữu cơ mà còn được hướng dẫn kỹ thuật canh tác chuẩn, đảm bảo chất lượng đầu vào cho chuỗi thức ăn đàn bò. Doanh nghiệp cũng thu mua hơn 365.000 tấn bắp sinh khối từ nông dân trong năm 2024, góp phần tăng thu nhập và ổn định đầu ra cho người dân địa phương.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI) nhận định: “Vinamilk không chỉ mở khóa thiên nhiên mà còn mở khóa một mô hình kinh tế tuần hoàn với sự tham gia của cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững một cách toàn diện và thực chất”.

Từng bước tiến đến Net Zero vào năm 2050

Hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, Vinamilk không chọn con đường ngắn là mua tín chỉ carbon, mà chọn cách giảm phát thải thật tại nguồn. Sáng kiến sấy cỏ tại chỗ, giảm nhập khẩu, sử dụng năng lượng tái tạo, cắt giảm phát thải từ chất thải chăn nuôi… chính là những hành động cụ thể cho cam kết mạnh mẽ này.

Ông Nguyễn Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Phát triển Bền vững Bureau Veritas Việt Nam đánh giá: “Vinamilk đang đi đúng hướng với một lộ trình minh bạch, gắn kết chặt chẽ với nông dân để kiểm soát và giảm phát thải trên toàn chuỗi cung ứng. Đây là cách tiếp cận bền vững thực chất, thay vì chỉ mang tính đối phó”.

Vinamilk Green Farm Tây Ninh không đơn thuần là một mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đây là biểu hiện rõ ràng nhất cho tư duy chuyển đổi xanh: từ sản xuất đến quản lý môi trường, từ cộng đồng đến chuỗi cung ứng. Từng viên gạch trong hệ sinh thái phát triển bền vững tại đây đều được đặt đúng vị trí hướng đến hài hòa lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng nhấn mạnh vai trò của phát triển bền vững, mô hình của Vinamilk không chỉ là điểm đến học tập cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn là minh chứng thuyết phục cho năng lực của nông nghiệp Việt Nam trên con đường hội nhập sâu với quốc tế.

Vinamilk Green Farm đang cho thấy một thực tế: phát triển bền vững không chỉ là khẩu hiệu, mà hoàn toàn khả thi nếu doanh nghiệp đủ tầm nhìn, kiên định và hành động quyết liệt ngay từ những điều nhỏ nhất. Triết lý “mở khóa tự nhiên” không chỉ tạo ra một nông trại xanh mà còn mở ra tương lai xanh cho cả ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *