Về nơi trâu chọi không bị giết thịt

Đến hẹn lại lên, cứ vào các dịp lễ hội chợ phiên, lễ Tết, đồng bào Mông ở Đắk Nông lại náo nức tổ chức Hội chọi trâu. Ở đây, trâu chọi được bà con xem như “vật thiêng”, chăm sóc cẩn thận, không giết thịt. Họ xem trâu mang lại may mắn, tài lộc.

Bảo tồn văn hóa truyền thống

Theo quan niệm dân gian, người Mông coi con trâu là “vật thiêng”, biểu tượng của sức mạnh, sự dẻo dai, chăm chỉ, đồng thời là tài sản phản ánh sự giàu sang trong các gia đình. Từ xa xưa, trâu được xem là vật nuôi có sức mạnh bảo vệ gia chủ khỏi thú dữ. Mỗi nhà thường sở hữu từ 1 đến 2 con trâu chọi để tham gia vào các hội thi. Đây là văn hoá lâu đời được hình thành từ thời cha ông và truyền lại cho các thế hệ con cháu sau này.

chọi trâu đắk nông

Người đồng bào Mông tổ chức cuộc thi chọi trâu tự phát tại chợ phiên xã Cư K’Nia (Đắk Nông)

Anh Sùng Văn Dâừ (SN 2000, trú tại xã Đắk Rông, huyện Cư Jút, Đắk Nông) là một trong những người trẻ đam mê, nhiều kinh nghiệm nuôi trâu chọi. Theo anh Dâừ, thông thường vào mỗi dịp cuối tuần, những con trâu chọi được dắt ra đồng để huấn luyện, giao lưu, không bắt buộc phân định thắng bại, không để trâu có những tổn hại thể xác nghiêm trọng. Mục đích chính tại các buổi đánh tập là rèn luyện sự dũng mãnh, nhanh nhẹn cho trâu. Còn các dịp đặc biệt như lễ Tết mới thực sự là những sàn đấu lớn. Trâu chọi có kỹ năng tốt và hiếu chiến nhất sẽ được chọn dắt ra sàn đấu trước sự chứng kiến, theo dõi của hàng trăm, hàng nghìn người.

Để có được một con trâu chọi khoẻ mạnh, theo anh Sùng Văn Dâu, trâu cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt như chỉ ăn cỏ voi, mía và cám bắp. Còn trâu thường có thể cho ăn nhiều loại cỏ, cám tổng hợp hay bã bia,… Các yếu tố giúp nhận biết một con trâu chọi hay là thân dài và to, khoang nhỏ, chân to, móng khép, cặp sừng cánh cung và dày, màu lông đen tuyền, mắt nhỏ và nhô…

Chị Dương Thị Giang (SN 2001, trú tại xã Đắk Rông) chia sẻ: “Gia đình chúng tôi nuôi trâu từ thời ông bà. Trâu rất gần gũi con người. Ngoài giúp đỡ gia đình trong việc đồng áng, trâu còn được nuôi dưỡng và chăm sóc để trở nên dũng mãnh tham gia các hội chọi truyền thống”.

Đặc biệt, theo chị Giang, nhà chị và các hộ ở đây không giết thịt những con trâu thắng cuộc trong các cuộc thi như ở một số nơi khác. Thay vào đó, trâu sẽ càng được yêu thương, chăm sóc cẩn thận và xem đó là một sự may mắn, mang đến tài lộc.

chọi trâu Đắk Nông

Người dân vây quanh một chú trâu chọi thắng cuộc

 

 

Để hội chọi trâu ngày càng an toàn

Trong trận chọi trâu tại chợ phiên sắc màu diễn ra ngày 19/12 vừa qua ở xã Cư K’Nia (huyện Cư Jút), rất đông người dân và quan khách tới theo dõi. Họ không ngần ngại đứng xem ở cự ly cực gần để quay video, chụp ảnh mà không hề có hàng rào bảo vệ. Một con trâu chọi đang hăng chiến lồng lên đuổi nhau loạn sới, khiến nhiều người đứng xem bỏ chạy tán loạn, thậm chí bị ngã và giẫm đạp lên nhau.

Chị Dương Thị Giang (SN 2001, trú tại xã Đắk Rông) chia sẻ: “Gia đình chúng tôi nuôi trâu từ thời ông bà. Trâu rất gần gũi con người. Ngoài giúp đỡ gia đình trong việc đồng áng, trâu còn được nuôi dưỡng và chăm sóc để trở nên dũng mãnh tham gia các hội chọi truyền thống”.

Theo ông Lê Xuân Cường – Chủ tịch UBND xã Cư K’Nia, hội chọi trâu ở xã này mang đậm bản sắc truyền thống đồng bào Mông. Thông thường, những buổi chọi tự phát vẫn được bà con tổ chức nhằm giao lưu, học hỏi. Chính quyền địa phương vẫn chưa thể quản lý hết. Để hội chọi trâu đảm bảo an toàn, lành mạnh trong dịp đầu năm mới, theo ông Cường, địa phương sẽ siết chặt công tác tổ chức, quản lý cơ sở, trận thi đấu với các quy chế rõ ràng.

“Tại xã Cư K’Nia, thường hai hoặc một nhóm hộ đồng bào Mông cùng góp tiền để mua trâu về nuôi và chăm sóc. Trâu tốt được chăm kỹ lưỡng tham gia các hội chọi quan trọng. Còn những con trâu thường giúp bà con trong việc sản xuất, phát triển kinh tế. Cứ vào khoảng thời gian nhất định, các hội thi chọi trâu lại được tổ chức nhằm mục đích duy trì nét đẹp văn hoá và phục vụ du khách, không có chuyện cá độ biến tướng”, Chủ tịch UBND xã Cư K’Nia chia sẻ thêm.

Hội thi chọi trâu là những màn đấu võ đầy kịch tính của những chú trâu lực điền, sung mãn nhằm thể hiện tinh thần thượng võ, sinh tồn của cộng đồng người Mông. Bên cạnh đó, hội thi chọi trâu được tổ chức vào các dịp lễ hội, mang đến sự hứng khởi trong đời sống hằng ngày của người dân bản.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ an toàn cho trâu chọi không bị kẻ trộm đánh cắp cũng là vấn đề cấp thiết hàng đầu của người dân trong bản. Ông Sình Dương (SN 1958, trú tại xã Đắk Rông) từng bị mất chú trâu chọi thuộc hàng độc của mình cách đây hơn 1 năm, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Theo ông Sình Dương, những kẻ trộm trâu rất thủ đoạn và liều lĩnh, chuyên nghiệp. “Chuồng trâu cách nhà tôi khoảng 15m, được cài chốt khoá cẩn thận. Hôm đó, khoảng 3 giờ sáng, nghe tiếng chó sủa inh ỏi tôi có dự cảm không lành. Cả nhà thức dậy chạy ra xem thì khoá chuồng đã bị phá, chú trâu chọi khoẻ nhất của tôi đã không cánh mà bay. Sáng hôm sau, người dân tìm thấy dấu vết bánh xe tải lớn đậu ở rìa bên kia bản. Chúng tôi nhận ra chúng đã lùa trâu vào xe tải và chở đi. Bằng một cách nào đó, chúng không bị một ai phát giác. Trộm trâu chọi ở đây không hoành hành thường xuyên như trước, chúng biết người dân đề phòng cao nên canh trực khoảng thời gian chúng tôi thiếu cảnh giác nhất, sơ hở là trộm ngay. Đặc biệt, một số băng đảng trộm trâu chọi còn nắm rất rõ địa bàn và tập tính của trâu”, ông Sình Dương cho hay.

Hiện nay, sau nhiều vụ trộm trâu chọi được trình báo, theo ông Sình Dương, các cơ quan chức năng đã phối hợp với người dân địa phương tích cực rà soát, bảo vệ an ninh các khu chăn nuôi trâu, bò… Người dân bản cũng tự ý thức được việc xây dựng chuồng trại tốt, bảo vệ tài sản quý giá nên tình hình trộm cắp được hạn chế.

H Nhi

Nguồn: Tiền Phong Online
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *