Trồng cỏ lúa mỳ tự động trong nhà

(Người Chăn Nuôi) – Một hệ thống trồng cỏ tự động trong nhà đang được xem là giải pháp cho các trang trại ở những khu vực địa lý quá khô cằn hoặc thiếu đất nông nghiệp. Công nghệ này được đánh giá cao nhờ tiết kiệm nguồn lợi tự nhiên, lao động và cải thiện hiệu suất chăn nuôi.

Công ty Cnossen tại Hereford, Texas, Mỹ nuôi 11.000 con bò sữa cao sản và đang chật vật tìm kiếm nguồn cung cỏ tươi làm thức ăn xanh cho bò do thiếu đất trồng cỏ, đặc biệt suốt giai đoạn khô hạn nhất trong năm. Để khắc phục tình trạng thiếu nước trong khi vẫn phải đảm bảo khẩu phần ăn tốt nhất cho vật nuôi, Công ty buộc phải tìm kiếm công nghệ mới để sản xuất cỏ. Từ đó, Cnossen đã hợp tác với hãng công nghệ Grov Technologies xây dựng cơ sở sản xuất thức ăn kiểm soát môi trường để có thể trồng cỏ tươi quanh năm. Cơ sở mới “Cnossen Grov Feed Center” dự kiến sẽ trở thành hệ thống sản xuất thức ăn trong nhà lớn nhất thế giới.

 

Giảm tác động của khô hạn

Thức ăn sẽ được sản xuất trong hệ thống khép kín gồm các “tòa tháp” chồng lên nhau (công nghệ trang trại hình tháp Grov). Mô hình này sử dụng quy trình trồng cỏ máy học để trồng mầm cỏ lúa mỳ với năng suất ổn định. Đây là một loại thức ăn đậm đặc chất dinh dưỡng (HDN). Cnossen Grov Feed Center sẽ sản xuất hơn 288.000 pound thức ăn mỗi ngày (131.000 kg) với lượng nước đầu vào ít hơn 5% so mô hình trồng trọt truyền thống. Sự tiết kiệm này rất quan trọng trong việc giảm tác động của các điều kiện khô hạn đang ảnh hưởng đến Cnossen Dairy và nhiều công ty sữa ở phía thuộc miền Tây nước Mỹ.

Nếu cung cấp cho bò sữa thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao và ổn định quanh năm sẽ góp phần giảm tác động của hạn hán và sự thay đổi khí hậu, đồng thời giúp Cnossens mang đến khách hàng những sản phẩm sữa bền vững hơn. Để vận hành hệ thống trồng mầm lúa mì tự động, các công ty phải tích hợp công nghệ cảm biến, máy học vào các tòa tháp cỏ, từ đó giảm lao động, khí thải carbon và hướng đến mục tiêu trở thành một hệ thống xanh, sạch (Net Zero).

trồng cỏ lúa mì tự động trong nhà

"Cnossen Grov Feed Center" dự kiến sẽ trở thành hệ thống sản xuất thức ăn trong nhà lớn

 

Cảm biến và thị giác máy tính

Trước khi hợp tác với Cnossen, Grov đã sản xuất thử nghiệm 30.000 pound HDN thức ăn mỗi ngày cho một dự án tại trang trại Bateman Mosida Farm thuộc Elberta, Utah. Bateman là trang trại bò sữa lớn nhất Utah với 7.500 con bò sữa cao sản. Thức ăn HDN được sản xuất trong điều kiện kiểm soát bằng hệ thống tích hợp công nghệ đám mây, tức là sẽ tự động và giám sát các tòa tháp cùng các máy phát điện bên trong. Hệ thống cảm biến và thị giác máy tính đo lại nhiệt độ, độ ẩm, khối lượng, tăng giảm ánh sáng và theo dõi tăng trưởng của cây trồng. Dữ liệu này được tích hợp vào hệ thống đang vận hành tại mỗi tòa tháp và giúp Grov quản lý liên tục và điều chỉnh kịp thời tại các cơ sở sản xuất trên toàn cầu. Cách thức sản xuất thức ăn đầy triển vọng này không chỉ giúp tiết kiệm nước, thời gian, lao động, không gian, mà còn tạo ra nguồn cỏ tươi giàu dinh dưỡng cho vật nuôi.

Phát biểu tại Hội nghị cải tiến công nghệ ngành chăn nuôi, CEO của Grov Steve Lindsley cho biết, mầm lúa mì trồng trong nhà là thành phần thức ăn xanh giàu protein, đường và tinh bột hơn, cùng tỷ lệ tiêu hóa cao hơn cỏ khô alfalfa và có thể thay thế 20 – 60% khẩu phần trộn toàn bộ. Thành phần dinh dưỡng tuyệt vời của loại thức ăn này có thể giúp cải thiện sức khỏe của vật nuôi, nâng cao hiệu suất chăn nuôi.

 

Tối ưu hóa và kiểm soát

Grov đã hợp tác với Khoa động vật, chăn nuôi bò sữa và thú y tại Đại học bang Utah để đánh giá tác động của thức ăn đậm đặc dinh dưỡng lên hiệu suất chăn nuôi và chất lượng thịt bò tại trang trại Bateman Mosida. Kết quả cho thấy những con bò ăn thức ăn HDN đạt tăng trọng trung bình cao hơn những con bò ăn khẩu phần hoàn chỉnh năng lượng cao (CTL). Mẫu thịt từ những con bò ăn HDN có tỷ lệ axit béo không bão hòa đa và chất béo chuyển hóa thấp hơn và tỷ lệ omga 6 : omega 3 thấp hơn so với những khẩu phần ăn năng lượng cao hoàn chỉnh. “Chúng tôi cũng vừa mới bắt đầu hợp tác với Đại học Nông nghiệp và Khoa học Cornell để nghiên cứu về tác động của thức ăn lên hiệu quả sản xuất sữa và dấu chân carbon”, Lindsley cho biết.

Theo Lindsley, công nghệ mà họ vừa phát triển là một hệ thống mô đun và có thể áp dụng cho tất cả trang trại trên toàn thế giới. Công nghệ này giúp trại nuôi bò kiểm soát tất cả yếu tố môi trường liên quan đến cây trồng, mang lại khả năng điều chỉnh nhiều biến số hơn và thu thập nhiều dữ liệu hơn về sự tăng trưởng của cây trồng.

>> Dự kiến Cơ sở Cnossen-Grov sẽ được khởi công vào tháng 11/2021 và hoàn tất vào quý II/2022.

Dũng Nguyên

(Theo Dairyglobal)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *