Ngành chăn nuôi thiệt hại nặng vì dịch, bệnh

Năm 2021, nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho ngành chăn nuôi. Dự báo năm nay, rủi ro dịch bệnh trên động vật dưới nước và trên cạn vẫn lớn.

Trong giai đoạn ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí sản xuất tăng cao, thị trường biến động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc kiểm soát dịch bệnh trên động vật là vấn đề then chốt để bảo vệ thành quả của ngành chăn nuôi. Đây cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo nguồn cung sản phẩm động vật chăn nuôi cho thị trường.

Thiệt hại lớn

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2021, dịch bệnh ở vật nuôi trên cạn và dưới nước vẫn diễn biến phức tạp, gây tổn thất kinh tế trên 2,5 ngàn tỷ đồng. Cụ thể, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 125 xã của 33 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 457 ngàn con gia cầm, tăng 1,6 lần so với năm 2020. Năm vừa qua, cả nước có 3 chủng virus cúm gia cầm lưu hành gồm: A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 là chủng mới đã xâm nhiễm vào Việt Nam từ giữa năm 2021. Trong năm, dịch tả heo châu Phi cũng đã xảy ra tại 3.154 xã của 60 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 288,6 ngàn con heo, cao gấp hơn 3,2 lần so với năm 2020.

tình hình dịch bệnh chăn nuôi 2022

Tình hình một số loại dịch bệnh trên vật nuôi, gia cầm trên cả nước từ đầu năm 2022 đến nay. Nguồn: Bộ NN-PTNT (Thông tin: Bình Nguyên – Đồ họa: Hải Quân)

Một dịch bệnh mới xâm nhiễm vào Việt Nam từ cuối năm 2020 và tiếp tục gây thiệt hại lớn vào năm 2021 là dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò. Cả năm 2021, dịch bệnh này đã xảy ra tại 4.349 xã của 55 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh gần 207,7 ngàn con, số gia súc tiêu hủy hơn 29 ngàn con.

Riêng ngành nuôi trồng thủy sản, công tác phòng, chống dịch bệnh đạt được những kết quả quan trọng, diện tích nuôi trồng thủy sản bị nhiễm bệnh giảm mạnh khoảng 33% so với năm 2020, nhưng vẫn có hơn 5,6 ngàn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, nhiều dịch bệnh khác như: lở mồm long móng, dịch heo tai xanh… cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi.

Chỉ ra những rủi ro về nguồn lây lan dịch bệnh trong ngành chăn nuôi, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Đào Xuân Trúc cho biết, vừa qua, nhiều dịch bệnh xuất hiện trên vật nuôi ở Việt Nam có nguyên nhân do nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ các nước về. Những dịch bệnh khác trên vật nuôi cũng có nguy cơ tiếp tục xâm nhiễm vào Việt Nam, đặc biệt nguy hiểm là những dịch bệnh mới này có khả năng lây truyền giữa động vật qua người. Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đã có nhiều kiến nghị về việc Việt Nam cần tăng cường hàng rào kỹ thuật, nhất là trong kiểm dịch động vật với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Việc siết chặt hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi để bảo vệ chăn nuôi trong nước, hạn chế tối đa những sơ hở để dịch bệnh xâm nhập.

* Nguy cơ dịch bệnh từ động vật lây qua người

Những năm gần đây, thế giới phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người là mối đe dọa thường trực gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, kinh tế và xã hội. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi đã ghi nhận ở Việt Nam trong thời gian gần đây như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm gia cầm A/H5N1, A/H1N1… với tỷ lệ gây tử vong trên người cao. Mặc dù từ tháng 2-2014 đến nay, Việt Nam không phát hiện thêm ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 nào trên người, nhưng nguy cơ lây nhiễm bệnh này từ gia cầm sang người vẫn luôn hiện hữu do dịch cúm trên gia cầm vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước và thói quen tiếp xúc gần gũi giữa con người và vật nuôi.

Ngoài ra, bệnh liên cầu lợn trên người với bệnh cảnh lâm sàng nặng nề, điều trị tốn kém, tỷ lệ tử vong cao và nếu khỏi cũng để lại nhiều di chứng nặng hiện đang diễn biến phức tạp với số ca mắc và tử vong hằng năm không giảm. Nguyên nhân do người dân vẫn giữ thói quen ăn tiết canh.

Hiện Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm lưu hành từ lâu như bệnh dại. Năm 2021, tổng số người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng trên cả nước là hơn 531 ngàn người với 53 người chết vì bệnh dại, giảm 25 người chết so với năm 2020. Nhưng bệnh dại hiện vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng quan tâm với số ca gây tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Trong đó, hơn 90% ca bệnh dại trên người do lây nhiễm từ chó. Nguyên nhân bệnh này vẫn gây thiệt hại lớn vì chỉ tính riêng trong năm 2021, cả nước có trên 11,7 ngàn con chó thả rông, không xích nhốt, đeo rọ mõm được xử lý tại 22 tỉnh, thành phố. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới vẫn cao; trong đó có nguyên nhân công tác quản lý đàn chó của chính quyền một số địa phương còn chưa tốt, chính quyền địa phương chưa chỉ đạo đầy đủ các ban, ngành phối hợp thực hiện, người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông phổ biến. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo thấp hơn so với mục tiêu chương trình đặt ra; số lượng chó được tiêm phòng chủ yếu theo kế hoạch hàng năm của địa phương thấp hơn tổng đàn chó thực có (nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vaccine đạt dưới 30%). Việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vaccine dại cho chó chưa được thực hiện nghiêm theo quy định.

Việt Nam sắp sản xuất được vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi heo ở xã Tân An, H.Vĩnh Cửu

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế đã có nhiều chương trình hợp tác. Đặc biệt, hiện Cục Thú y có 5/8 phòng thử nghiệm đã xét nghiệm trên 1 triệu mẫu SARS-CoV-2 (Covid-19) trên người tại hơn 20 tỉnh, thành phố. Năng lực của Cục Thú y có thể hỗ trợ ngành Y tế xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khoảng 7.600 mẫu/ngày. 2 bộ tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế các dịch bệnh lây từ động vật qua ngươi trong năm 2022.

 

Rủi ro dịch bệnh vẫn cao

Từ đầu năm 2022, nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đã xuất hiện và có dấu hiệu tiếp tục lây lan trên diện rộng. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 4 ổ dịch cúm gia cầm với tổng số 13,6 ngàn con gia cầm mắc bệnh chết và tiêu hủy. Nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm mới xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc còn cao.

Với dịch tả heo châu Phi, từ đầu năm đến nay, bệnh này đã xảy ra tại 321 xã của 36 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 19,6 ngàn con heo. Trong đó, có 168 ổ dịch tại 73 huyện của 31 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Dịch viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra tại 17 xã của 2 tỉnh, thành phố. Từ đầu năm 2022 đến nay, có hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản tại khu vực phía Nam bị thiệt hại vì dịch bệnh.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022, ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y nhận định, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi và thủy sản vào đầu năm 2022 là rất cao do tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn. Trong khi đó, tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng còn thấp, nhiều đàn chưa hoặc không được tiêm phòng. Đặc biệt, bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát và phát sinh là rất cao do virus có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp và hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm chăn nuôi tăng mạnh vào các tháng đầu năm cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh dễ lây lan.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN đánh giá, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên vật nuôi vẫn rất cao, gây tổn thất kinh tế lớn nên nhiệm vụ đặt ra cho ngành chăn nuôi trong năm 2022 rất nặng nề. Các tỉnh, thành phố cần tập trung tuyên truyền sâu rộng về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng. Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi theo kế hoạch; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tập trung đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh…

Bình Nguyên

Nguồn: Báo Đồng Nai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *