(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Bệnh nấm diều trên chim bồ câu có triệu chứng như thế nào? Xin tư vấn biện pháp phòng trị?
Trả lời:
Bệnh do một loại nấm có tên gọi Candidia albicans gây ra. Chim bồ câu bị bệnh nấm diều sẽ có những triệu chứng đặc trưng: Đầu tiên, mỏ chim xuất hiện những lớp vảy da màu vàng nhạt, lớp vảy này có thể bóc tách dễ dàng và không bị chảy máu, diều cứng, không tiêu, có biểu hiện hen khẹc. Tiếp đó, tại hầu họng và diều chim có những mụn loét ngày càng ăn sâu xuống. Chim ăn ít, gầy và bị tiêu chảy, thỉnh thoảng còn nôn thức ăn lẫn với chất nhầy có mùi hôi. Kèm theo tiêu chảy phân sống; Chim non bị bệnh sẽ có triệu chứng nặng hơn con trưởng thành và chậm mọc lông, chậm lớn, tỷ lệ chết cao. Để phòng bệnh, trong quá trình nuôi, cần thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn sinh học. Cùng đó, nâng cao sức đề kháng cơ thể vật nuôi bằng cách bổ sung men tiêu hóa, vitamin, khoáng chất. Sau khi phát hiện tình trạng bệnh, cần nhanh chóng vệ sinh thật sạch chuồng trại, khay ăn, uống của chim. Phun sát trùng chuồng nuôi và cả khu vực chăn nuôi bằng dung dịch chứa Iodine, CuSO4 1% hoặc Formol 2,5%. Loại bỏ tất cả những thức ăn bị nghi ngờ nhiễm nấm như ngô, khô dầu, đỗ tương. Cho bồ câu ăn cám gà đẻ (cho bồ câu ăn với lượng thức ăn bằng 1/10 trọng lượng của chúng). Để điều trị bệnh, cần dùng thuốc kháng nấm (chọn dùng một trong các hoạt chất sau):
Nystatin: Dùng dung dịch hay huyễn dịch 100.000 IU/ml; Pha vào nước uống hay trộn vào thức ăn theo liều 1,5 ml/kg trọng lượng; Dùng liên tục 7 ngày.
Ketoconazole: Dùng theo liều 10 – 20 mg/kg trọng lượng pha vào nước uống hay trộn vào thức ăn, dùng liên tục 10 – 15 ngày. Nên cho đàn uống cùng với một trong các loại kháng sinh như: Pharamox G, Pharmequin, Enroflox 5%, Orain-pharm… liên tục 5 ngày để diệt vi khuẩn bội nhiễm.
Cho bồ câu ăn/uống Phartigum B 2 g/10 kg trọng lượng/ngày hoặc 2 g/lít nước uống để giảm đau, tăng lực. Có thể hòa tan thuốc theo liều lượng cho phép, trộn đều với cám để bồ câu mẹ vừa mớm được cả thức ăn và thuốc cho bồ câu con.
Ban KHKT