Gà đen là đặc sản nức tiếng của vùng biên Kỳ Sơn (Nghệ An), tuy nhiên, giống gà này đã được thử nghiệm thành công tại vùng đất Tân Kỳ và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Cao Thị Hướng ở xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ là một trong những hộ nghèo trên địa bàn. Cuối năm 2023, chị Hướng được hỗ trợ 50 con gà đen từ chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Tân Kỳ.
Từ khi được cung ứng con giống, chị Hướng đã ra sức chăm sóc đàn gà, đến nay đã bắt đầu bước vào giai đoạn có thể xuất bán.
Mô hình nuôi gà đen tại xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ phát huy hiệu quả kinh tế. Ảnh: Quang An
Chị Hướng cho biết: Giống gà này gia đình chưa nuôi bao giờ, nên khi được nhận hỗ trợ cũng khá lo lắng, vì sợ gà không quen với thời tiết, khí hậu ở đây. Tuy nhiên, sau khi thực hiện quy trình nuôi theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, xã, thì đàn gà của gia đình đã dần thích ứng và sinh trưởng tốt. Đặc biệt, dù mới thử nghiệm lần đầu nhưng tỷ lệ sống của giống gà này rất cao, gia đình tôi nhận 50 con, sau hơn 3 tháng chăm sóc chỉ có 1 con duy nhất bị ốm chết, số còn lại đều khoẻ mạnh.
Gia đình chị Hướng là 1 trong 39 hộ dân được hỗ trợ nuôi gà đen thương phẩm trên địa bàn xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ. Mô hình này nằm trong dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2023, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn huyện.
Gà đen dù mới được nuôi thử nghiệm nhưng có sức sống, tốt đầu ra ổn định tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Theo đó, các hộ được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Nghĩa Phúc. Mỗi hộ được cấp 50 con gà đen giống 21 ngày tuổi, đã được tiêm phòng đúng quy định để đảm bảo gà đạt tiêu chuẩn khoẻ mạnh, không dịch bệnh. Tổng mức đầu tư của dự án gần 300 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 244 triệu đồng. Mục tiêu của dự án nhằm trang bị kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gà và tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có vốn để phát triển chăn nuôi, tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững.
Qua ghi nhận, đánh giá của huyện Tân Kỳ thì đây là giống gà quý, ít bệnh tật, có đặc điểm là thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ ít, thịt chắc và thơm ngon, tỷ lệ nuôi sống cao từ 95 – 98% dù mới được đưa vào nuôi thử nghiệm ở vùng đất mới.
Đặc biệt, đầu ra của gà đen rất thuận lợi khi có nhiều thương lái cũng như các đoàn thể, cá nhân đặt mua với số lượng lớn. Gà đến kỳ xuất bán có giá từ 140.000 – 160.000 đồng/kg, trọng lượng từ 1,5 – 2 kg.
Gà đen là đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng. Ảnh: P.V
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Thực – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Mô hình nuôi gà đen dù mới thử nghiệm trên địa bàn nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt do đó địa phương sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT, các xã được triển khai mô hình thường xuyên quan tâm kiểm tra, hỗ trợ người chăn nuôi để giống gà đen này sinh trưởng ổn định. Điều quan trọng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được nhận hỗ trợ cần phải quan tâm sử dụng nguồn thu nhập này để tái đầu tư, tái đàn, qua đó, vừa giảm nghèo bền vững, vừa phát huy được sự hiệu quả, mục đích ban đầu chính của dự án.
Nhóm P.V
Nguồn: Báo Nghệ An