Trước đây, cùng với canh tác lúa nước, anh Nguyễn Văn Thương ở thôn 1, xã Bình Hòa (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) chăn nuôi heo, gà để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, các loài vật nuôi gặp dịch bệnh, cộng với giá cả bấp bênh đã khiến gia đình nhiều phen điêu đứng. Năm 2008, anh Thương tình cờ biết đến mô hình nuôi dúi của anh Dương Văn Phương ở huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), nhận thấy dúi là loại động vật dễ nuôi, ít công chăm sóc nên anh đã quyết định đầu tư vào mô hình này.
Mô hình nuôi dúi của anh Nguyễn Văn Thương.
Anh Nguyễn Văn Thương chia sẻ: “Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc khiến dúi hay bị bệnh về đường tiêu hóa, bệnh viêm phổi nên tôi cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, được sự tư vấn từ chủ các mô hình đi trước cũng như cán bộ thú y tại địa phương tôi đã dần khắc phục, đàn dúi sinh trưởng và phát triển tốt. Nguồn thức ăn của dúi chủ yếu là tre, cỏ, bắp, sắn, khoai, mía…, đều là thức ăn có thể tự trồng, dễ kiếm nên giảm được nhiều chi phí đầu tư. Dúi phát triển tốt ở nhiệt độ từ 20 – 30oC nên chuồng phải kín gió, ở nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào. Ngoài ra, để đảm bảo các điều kiện nuôi theo quy định, tôi đã chủ động xin chứng nhận đăng ký nuôi động vật hoang dã”.
“Từ sự chia sẻ kinh nghiệm nhiệt tình của anh Thương, nhiều nông hộ trong xã đã đến học hỏi và phát triển mô hình nuôi dúi. Chúng tôi mong muốn, mô hình này sẽ được nhân rộng, để người dân địa phương có thể phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống".
Anh Lê Đình Liễu, hội viên nông dân thôn 1, xã Bình Hòa |
Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, gia đình anh Thương đã mạnh dạn tăng số lượng nuôi, ngoài nuôi dúi thương phẩm, còn nuôi dúi sinh sản. Từ 10 cặp dúi giống ban đầu, đến nay gia đình anh Thương đã xây dựng khu vực chăn nuôi có tổng diện tích 100 m2 với khoảng 400 con dúi nuôi gối nhau. Mỗi năm anh xuất 3 đợt dúi thương phẩm với giá dao động từ 650.000 – 800.000 đồng/kg; đối với dúi giống, anh bán mỗi cặp với giá từ 1,2 – 1,3 triệu đồng, gia đình có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, anh Thương còn luôn nhiệt tình trong việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống cho những hộ có nhu cầu vừa đảm bảo nhu cầu đầu ra cho thị trường, vừa tăng thu nhập cho các hộ nông dân. Hiện nay, trên địa bàn xã Bình Hòa có trên 15 hộ phát triển mô hình này với khoảng 2.000 con dúi. Là một trong những hộ mới triển khai mô hình chăn nuôi này trong 2 năm trở lại đây, hộ anh Lê Đình Liễu (thôn 1) đã thu được kết quả khá tích cực. Hiện nay anh Liễu đang nuôi 100 con dúi, đợt xuất bán gần đây nhất anh thu lãi 35 triệu đồng. Anh Liễu cho hay: “Được anh Thương trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cung cấp con giống, tôi cũng mạnh dạn chuyển hướng chăn nuôi và nhận thấy nuôi dúi là mô hình cho hiệu quả kinh tế khá. Thời gian mỗi lứa sinh sản của dúi rất ngắn, tùy loại giống kéo dài khoảng 7 – 9 tuần. Khi dúi nuôi con được 45 ngày thì tách mẹ nuôi thành dúi thịt. Sau 3 tháng nuôi có thể xuất bán được, mỗi năm dúi mẹ sinh sản 3 – 4 lứa, mỗi lứa từ 2 – 4 con nên không yêu cầu chi phí đầu tư cao, vốn có thể xoay vòng”.
Anh Thương (thứ hai từ phải sang) chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình nuôi dúi.
Ông Lê Đình Tú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa cho biết, thời gian qua, trong khi một số mặt hàng nông sản truyền thống của nông dân bị rớt giá, đời sống gặp nhiều khó khăn, thì nhiều hộ nông dân ở địa phương đã chủ động tìm tòi, học hỏi chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và đã mang lại thu nhập cao, ổn định. Trong đó, mô hình nuôi dúi được đánh giá khá hiệu quả khi nông dân có thể tận dụng nông sản sẵn có tại địa phương, sản phẩm bán ra có giá thành cao và ổn định. Hiện Hội Nông dân xã đang tích cực hỗ trợ hội viên có nhu cầu tiếp cận, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm để triển khai mô hình tại gia đình, hướng tới thành lập tổ hợp tác để liên kết chuỗi sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho nông hộ, từ đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương”.
Vân Anh
Nguồn: Báo Đắk Lắk