Ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), cơ sở nuôi ong ruồi của ông Nguyễn Văn Hóa, thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa là địa chỉ chuyên về các sản phẩm gồm mật, ong giống và vật tư nuôi ong quy mô lớn, uy tín trong và ngoài huyện. Hiện trang trại đang cung ứng ong giống, chuyển giao kỹ thuật cho 22 hộ thuộc Dự án hỗ trợ cải thiện sinh kế bền vững do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ trên địa bàn xã Vĩnh Hòa cùng các địa phương vùng Đông, Nam huyện Vĩnh Linh và vùng lân cận huyện Gio Linh.
Ông Hóa vệ sinh thùng nuôi, kiểm tra, theo dõi tình trạng đàn ong – Ảnh: Nguyễn Trang
Hiện ông Hóa chỉ duy trì nuôi 40 đàn ong, còn lại bán giống cho những người có nhu cầu. Chỉ tính đầu năm 2021 đến nay, trang trại ông Hóa đã xuất cho thị trường ong giống huyện Vĩnh Linh và Gio Linh trên 100 đàn, mỗi đàn 3 – 5 cầu, giá bán 1 – 1,5 triệu đồng/ đàn, trong đó gồm 88 đàn của 22 hộ thuộc dự án sinh kế ở xã Vĩnh Hòa. Đàn ong nuôi tại cơ sở của ông Hóa hoàn toàn lấy mật từ môi trường tự nhiên, qua các mùa hoa nhãn, vải, chanh leo, mật lá… nên chi phí thấp nhưng lại cho nguồn mật nguyên chất, thơm ngon.
Theo ông Hóa, mùa rộ mật từ tháng 1 – 4 âm lịch, lúc này ong tăng trưởng rất nhanh, mật chín có thể quay mật 2 – 3 lần/tháng. Với 40 đàn ong tại vườn, mỗi năm gia đình ông Hoá quay thấp nhất được hơn 100 lít mật. Sản phẩm mật ong sau khi tinh lọc đến công đoạn chiết xuất, đóng chai theo quy chuẩn sẽ bán ra thị trường với giá 500 ngàn đồng/lít. Tổng thu nhập các khoản gồm bán đàn ong giống, mật ong, vật tư nuôi ong… mang lại cho gia đình ông Hóa từ 200 – 250 triệu đồng/năm.
Thực hiện tâm nguyện khi nghỉ hưu là vừa kiếm thêm thu nhập lúc tuổi già, vừa mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân, ông Hóa luôn nhiệt tình hướng dẫn cho những người có nhu cầu, đồng hành trong tất cả các công đoạn từ lựa chọn giống, bố trí vườn nuôi, cầu nuôi, phương pháp chăm sóc, thậm chí đến tận nơi hỗ trợ quay mật làm mẫu. Được ông Hóa “bảo hành trọn gói”, các hộ yên tâm gắn bó với nghề và cùng phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương.
Đánh giá về nghề này, ông Hóa cho hay, nuôi ong vốn đầu tư vừa phải với người dân nông thôn, lại không mất nhiều diện tích bởi điều chỉnh theo thực tế sản xuất, chỉ cần thùng nuôi cách nhau khoảng 2 m. Tuy nhiên, người nuôi cần nắm bắt tốt đặc tính của ong, thường xuyên vệ sinh thùng nuôi, kiểm tra, theo dõi sát tình trạng ong, chăm sóc ong chúa tạo đàn ong sau khỏe mạnh. Nếu đáp ứng đầy đủ các quy trình kỹ thuật sẽ giúp đàn ong tăng sản lượng, chất lượng mật. Qua tháng 6 âm lịch, vào mùa thu đông, khan hiếm phấn hoa, mật lá, ong không tự lấy được mật thì thường ngừng quay mật mà ngược lại mang mật trả lại để nuôi ong. Khi đảm bảo luôn đủ mật cho ong giống, ong non thì chúng sẽ gắn bó với người nuôi.
Cũng thời gian này tập trung tách đàn, nhân giống. “Cần đặc biệt chú ý vì loài ong rất mẫn cảm, nhất là với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Chỉ cần ong lấy phấn, mật ở những khu vực có phun thuốc hóa học thì ong dễ bị chết hoặc mắc bệnh rồi lây lan nhanh dẫn đến thiệt hại hàng loạt. Bởi vậy muốn phát triển nghề nuôi ong lâu dài, hộ nuôi phải chú trọng việc giữ gìn môi trường, tránh để ong tiếp xúc với chất nguy hại trong bán kính lấy thức ăn 1,5 – 2 km. Nếu chăn nuôi, trồng trọt kết hợp những đối tượng cây trồng, con nuôi khác, chúng tôi phải luôn ưu tiên các loại phân bón, thuốc hữu cơ. Thùng nuôi ong cũng đóng bằng gỗ, không dùng thùng xốp hay nhựa.
Từ đó dần hình thành môi trường chung an toàn không chỉ cho loài ong mà với cả cộng đồng. Nuôi ong nhiều lợi ích là vậy, lợi nhuận cao, góp phần tác động tạo môi trường, hệ sinh thái trong lành. Mặt khác, chính quá trình ong hút mật đẩy mạnh việc thụ phấn, giúp cải thiện năng suất cây trồng. Từ khi nuôi ong, sản lượng các loại cây ăn quả trong trang trại gia đình tôi đều đạt gấp đôi so với trước”, ông Hóa chia sẻ thêm.
Hiện mô hình nuôi ong lấy mật đã nhân rộng trên địa bàn xã Vĩnh Hoà với trên 50 hộ nuôi, khoảng 300 đàn. Ông Hóa cũng như các hộ nuôi ong mong muốn các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, nghiên cứu định hướng liên kết, thành lập tổ hợp tác nuôi ong chất lượng cao, từng bước xây dựng mật ong thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương. Qua đó giúp việc tiêu thụ mật ong thuận lợi hơn, thúc đẩy nghề nuôi ong phát triển, vừa tăng thu nhập cho người dân vừa bảo vệ môi trường sinh thái một cách bền vững.
Nguyễn Trang
Nguồn: Báo Quảng Trị