Không khí lạnh tăng cường khiến các tỉnh Tây Bắc phải trải qua những ngày rét đậm, rét hại. Tại TP. Điện Biên Phủ, nơi hiện có tổng đàn gia súc trên 24.000 con, các giải pháp chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc đã được triển khai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra trên đàn vật nuôi.
Rút kinh nghiệm những năm trước, mùa đông năm nay gia đình anh Quàng Văn Sơn, bản Púng Tôm (xã Thanh Minh) đã chủ động phòng, chống rét ngay từ đầu mùa. Mặc dù những ngày này nhiệt độ thấp hơn so với những năm về trước nhưng đàn bò của gia đình anh không bị đói rét nhờ chủ động quây phông bạt chắn gió và dự trữ thức ăn. Anh Sơn chia sẻ: Được xã tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã xây dựng chuồng nuôi nhốt, gia cố lại chuồng trại chắc chắn, kín đáo giữ ấm, không chăn thả rông khi nhiệt độ xuống thấp. Ngoài ra, để có nguồn thức ăn chăn nuôi, gia đình tôi đã trồng 1.000m2 cỏ voi; thực hiện tiêm phòng dịch bệnh định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Người dân bản Púng Tôm, xã Thanh Minh chống rét cho đàn gia súc.
Không chỉ gia đình anh Sơn mà nhiều hộ khác ở xã Thanh Minh đã chủ động phòng chống rét cho gia súc. Có mặt tại bản Pa Pốm – bản có số gia súc nhiều nhất trên địa bàn xã khi tiết trời buổi sáng rét buốt và mưa phùn, chúng tôi thấy bà con đã sử dụng các vật liệu sẵn có, như: Phên tre, nứa, vải bạt,… che chắn chuồng trại. Quanh chuồng trại, nhiều khóm củi được đốt để sưởi ấm cho gia súc. Một số người dân đã cắt cỏ voi chuẩn bị thức ăn cho gia súc trong những ngày giá rét.
Theo anh Quàng Văn Phi, cán bộ thú y xã Thanh Minh, người dân chủ động phòng, chống rét cho gia súc như vậy là kết quả của công tác tuyên truyền cũng như các biện pháp được cấp ủy, chính quyền xã tích cực triển khai trong thời gian qua. “Trên địa bàn xã chưa ghi nhận tình trạng trâu, bò chết do giá rét. Hàng ngày tôi cùng một số cán bộ trong xã thường xuyên đến từng thôn, bản để kiểm tra, nhắc nhở và hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác chống đói, rét cho gia súc” – anh Phi cho biết.
Nà Tấu là xã vùng cao của thành phố Điện Biên Phủ và cũng là địa phương nuôi nhiều gia súc. Tính đến 11 giờ ngày 23/2, trên địa bàn xã Nà Tấu ghi nhận 13 con trâu, bò bị chết rét. Do 16 thôn, bản của xã đều nằm ở vị trí trên cao nên mùa đông nhiệt độ ở đây luôn ở mức thấp; đặc biệt, trong đợt lạnh này, có ngày nhiệt độ giảm còn 6oC. Ngay từ đầu mùa đông, UBND xã Nà Tấu đã cử cán bộ xuống từng bản, từng hộ gia đình hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Để đảm bảo dinh dưỡng cho đàn gia súc, cán bộ thú y xã đến từng nhà hướng dẫn người dân bổ sung thức ăn tinh bột, thức ăn giàu đạm, thức ăn thô xanh, nước uống ấm, vitamin, muối khoáng, dự trữ thức ăn khô, sửa chữa chuồng trại, che bạt chắn gió, đốt lửa sưởi ấm… nhằm bảo vệ đàn gia súc.
Còn tại xã Mường Phăng, địa bàn có tổng đàn gia súc lớn trong thành phố với trên 2.100 con; công tác tuyên truyền phòng, chống đói rét cho gia súc cũng luôn được cấp ủy, chính quyền xã chú trọng. Xã đã chỉ đạo cán bộ thú y xuống từng hộ vận động người dân tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi; ký cam kết trong việc thực hiện che chắn chuồng trại, không thả rông gia súc trong những ngày giá rét.
Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Theo dự báo, tình hình thời tiết đang có nhiều diễn biến phức tạp; do đó, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân trong việc phòng, chống đói, rét, kết hợp tiêm phòng cho gia súc, vệ sinh chuồng trại, không để trâu, bò sút cân, chết rét; thường xuyên theo dõi tình hình đàn gia súc; nhắc nhở người dân đưa đàn trâu, bò về nhốt chuồng, từng bước xóa bỏ tập quán thả rông trâu, bò… nhằm bảo vệ tốt đàn vật nuôi.
Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho đàn gia súc trong mùa đông; UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch cùng các biện pháp phòng, chống cụ thể, triển khai đồng bộ tới các địa bàn. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về phòng chống đói rét cho gia súc cũng được đẩy mạnh qua hệ thống loa truyền thanh, các cuộc họp thôn, bản. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa phùn còn kéo dài; các địa phương, cơ quan chuyên môn tăng cường triển khai biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc. Bà Chu Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp thành phố cho biết: Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đang tăng cường cán bộ xuống cơ sở phối hợp hướng dẫn người dân chăn nuôi áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, che chắn chuồng trại tránh mưa rét, gió lùa; cập nhật tình hình thời tiết, khí hậu và thông tin kịp thời, thường xuyên để người dân không chủ quan, thực hiện phòng chống đói, rét cho vật nuôi.
Tính đến 17 giờ ngày 22/2, trên địa bàn thành phố có 35 con trâu, bò, dê bị chết tại 3 xã: Nà Tấu, Pá Khoang, Nà Nhạn; trong đó, 29 con trâu, 3 con bò, 3 con dê. Trong thời tiết bất lợi đối với chăn nuôi như hiện nay, việc chủ động làm tốt công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi không chỉ góp phần bảo vệ tài sản của người dân, mà còn duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, từ đó thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.
Bài, ảnh: Minh Thảo