TP Cần Thơ: Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, những tháng đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên đàn gia súc, gia cầm…

Bảo vệ đàn gia súc, gia cầm

Ngay từ đầu năm 2023, nhiều hộ chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ đã tái đàn, đầu tư con giống, chăn nuôi heo thịt. Ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hiện nay, thời tiết chuyển mùa, từ mùa nắng sang mùa mưa nên việc chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhất là vào mùa mưa, chăn nuôi heo, gà, vịt rất cực, vì dễ bị bệnh. Việc chăm sóc phải chu đáo, tiêm ngừa, phòng bệnh dịch phải được tăng cường. Từ đó, chi phí chăn nuôi cũng tăng thêm”.

Tại thời điểm tháng 3, TP Cần Thơ có tổng đàn heo là 128.961 con, đạt 95,5% so với kế hoạch năm, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 271 con; đàn bò 4.383 con, đạt 91,3% so với kế hoạch; đàn gia cầm 2,1 con, vượt 5,7% so với kế hoạch, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại cung cấp tiêu dùng đạt 10.114 tấn…

nuôi heo an toàn sinh học

Mô hình chăn nuôi heo an toàn, sạch bệnh phát triển ở TP Cần Thơ.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, hiện thành phố có 291 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua các đợt dịch bệnh bùng phát như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi ở những năm trước, các cơ sở, trại chăn nuôi từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng trang trại, chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi an toàn và di dời các điểm chăn nuôi ra xa các khu dân cư, khu đô thị. Ðặc biệt, nhiều trại gia súc, gia cầm tạo chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Ông Lê Trung Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, nhận định: “Chuyển đổi phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP được hình thành. Thành phố xây dựng 4 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, thực hiện hỗ trợ xây dựng 9 mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP và 12 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật. Các cơ sở, trại chăn nuôi thực hiện mô hình theo hướng xây dựng cơ sở, hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ có nhiều lợi ích trong viêc quản lý chất lượng giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi. Quản lý môi trường chăn nuôi có nhiều tiến bộ trong công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi được áp dụng trong sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi của người chăn nuôi được nâng cao. Qua đó đàn gia súc và gia cầm thành phố phát triển ổn định và sản phẩm chất lượng, an toàn”.

Hiện nay, sản lượng sản phẩm chăn nuôi của thành phố đang dần đáp ứng được nhu cầu của thị trường tại địa phương. Trong đó, thịt trâu bò đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường, thịt heo đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu thị trường, thịt gia cầm đáp ứng khoảng 60 – 70% nhu cầu thị trường và xuất sang các tỉnh bạn. Ðồng thời, giảm bớt tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi nhập từ các tỉnh lân cận về thành phố.

 

Phòng ngừa dịch bệnh

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh xảy ra phức tạp, đặc biệt bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi và bệnh dại đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương trong nước. Ðể khống chế dịch bệnh, hướng tới nền chăn nuôi tiến bộ, bền vững, an toàn, đáp ứng yêu cầu của hội nhập, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ phối hợp với các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người chăn nuôi xây dựng vùng nuôi an toàn, ứng dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi. Cụ thể, năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ đã tổ chức 5 lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh với 340 người tham dự. Chi cục hỗ trợ xây dựng và cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả heo châu Phi cho 4 cơ sở chăn nuôi heo, hỗ trợ xây dựng và cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng cho 4 cơ sở chăn nuôi trâu trên địa bàn thành phố. Ðến nay, thành phố đã có 12 cơ sở chăn nuôi heo, trâu, bò được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Theo ông Lê Trung Hoàng, việc xây dựng vùng nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm dịch, vận chuyển khi xuất bán. Cơ sở chăn nuôi được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật. Ðồng thời, cơ sở nuôi được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch; được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; đồng thời, việc chăn nuôi theo mô hình này không những giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh (với tất cả các bệnh), cải tiến và nâng cao việc quản lý trang trại, mà còn được đủ điều kiện cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tích cực xây dựng và củng cố thương hiệu.

Từ nay đến cuối năm 2023, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục hỗ trợ phát triển đàn heo, đàn gà, đàn vịt và bò thịt chất lượng cao theo hướng tăng quy mô đàn và cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống; chuyển nhanh phương thức chăn nuôi truyền thống hộ gia đình quy mô nhỏ sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn và đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thấp nhất giá thành chăn nuôi… Thành phố cũng tăng cường hình thành các mô hình chăn nuôi tiên tiến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế của ngành Chăn nuôi nói riêng và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung…

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, khuyến cáo: thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, có khả năng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn vật nuôi, vì vậy người chăn nuôi cần tập trung phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa mưa. Bởi, khi thời tiết mưa không những gây khan hiếm nguồn thức ăn mà còn dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Mặt khác, khi mưa lớn kéo dài có thể gây ngập úng cục bộ trên diện rộng tạo cơ hội phát tán mầm bệnh. Vì vậy, người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết hằng ngày và tăng cường chăm sóc gia súc, gia cầm trong mùa mưa để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết cùng sự đe dọa của dịch bệnh cho vật nuôi. Nhất là đảm bảo chuồng trại vững chắc; đảm bảo mật độ nuôi phù hợp với số lượng và đặc tính, lứa tuổi của đàn vật nuôi; kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm; dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đủ về lượng và đảm bảo về chất; cần lưu ý đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống; dự trữ một số vật tư thuốc thú y cần thiết, vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa… dùng cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi; chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho vật nuôi trong mùa mưa…

Bài và ảnh: Hà Văn

Nguồn: Báo Cần Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *