Tình hình chăn nuôi cả nước tháng 10/2023

Tình hình chung

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 10, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thuận lợi, kết quả sản xuất đạt được mức khá. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng trưởng khá, tuy nhiên người chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá lợn hơi có diễn biến giảm. Ước tính tổng đàn lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 10 năm 2023 tăng khoảng 3,4%; tổng số gia cầm tăng khoảng 2,9% so với cùngthời điểm năm 2022.

Tình hình chăn nuôi trâu, bò trong tháng 10 không có biến động lớn, chăn nuôi lợn có kết quả sản xuất tích cực mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí phòng dịch tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi giảm chưa đáng kể, chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định. Tình hình cụ thể như sau:

Chăn nuôi trâu, bò:

Tình hình chăn nuôi trâu, bò trong tháng không biến động lớn, vẫn tiếp tục xu hướng giảm ở nhiều tỉnh do diện tích đất chăn thả đàn gia súc bị thu hẹp để tận dụng sản xuất các lĩnh vực khác. Theo Tổng cục Thống kê (TCTK) uớc tính tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 10 năm 2023 giảm khoảng 1%, tổng số bò tăng khoảng 0,7% so với cùng thời điểm năm 2022.

+ Chăn nuôi lợn:

Trong tháng 10, giá thịt lợn hơi diễn biến giảm trên cả nước1, chi phí phòng dịch tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi giảm chưa đáng kể nên các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn. Nếu dịch bệnh gia tăng, giá lợn tiếp tục giảm thì người chăn nuôi khu vực nhỏ lẻ sẽ hạn chế đầu tư tái đàn, thậm chí nghỉ nuôi. Khu vực trang trại và doanh nghiệp có thể vẫn giữ ổn định quy mô chăn nuôi vì những ưu thế do quy trình sản xuất khép kín, chí phí chăn nuôi thấp hơn, cơ chế phòng chống dịch bệnh tốt. Theo TCTK, ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 10 năm 2023 tăng khoảng 3,4% so với cùng thời điểm năm 2022.

Chăn nuôi gia cầm:

Tổng đàn vẫn giữ ở mức ổn định, chăn nuôi vẫn phát triển do gia cầm dễ nuôi, sinh sản nhanh, công tác tiêm phòng được quan tâm nên không xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 10 năm 2023 tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2022.

Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 10 năm 2023 ước đạt 333 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2023 đạt 2,9 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 986 triệu USD, giảm 8,3%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,18 tỷ USD, giảm 2,8%. Tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong 10 tháng đạt 395 triệu USD, tăng 19,8%;

+ Thú y: Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 23/10/2023, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cụ thể như sau:

– Dịch Cúm gia cầm (CGC): Trong tháng 10, phát sinh 03 ổ dịch tại tỉnh Bình Dương và Long An. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 19 ổ dịch CGC chủng A/H5N1 tại 11 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An, Bình Dương; số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 35.688 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 51,28%, số gia cầm phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 61,67%. Hiện nay, cả nước có 3 ổ dịch CGC chủng A/H5N1 tại tỉnh Bình Dương và Long An chưa qua 21 ngày.

– Dịch Lở mồm long móng (LMLM): Trong tháng 10, phát sinh 01 ổ dịch LMLM tại tỉnh Cao Bằng, số bò mắc bệnh là 39 con và 01 ổ dịch cũ thuộc huyện Cẩm Mỹ của tỉnh Đồng Nai, số bò mắc bệnh là 76. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 22 ổ dịch tại 11 tỉnh; số gia súc mắc bệnh là 760 con, số gia súc tiêu hủy là 26 con. Hiện nay, cả nước có 02 ổ dịch LMLM tại tỉnh Cao Bằng và Đồng Nai chưa qua 21 ngày.

– Dịch Tai xanh: Trong tháng 10, phát sinh 02 ổ dịch bệnh Tai xanh tại tỉnh Quảng Bình, số lợn chết và tiêu hủy là 454 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 05 ổ dịch tại tỉnh Cao Bằng và Quảng Bình; số lợn mắc bệnh là 96 con, số lợn chết và tiêu hủy là 529 con. Hiện nay, cả nước có 2 ổ dịch bệnh Tai Xanh chưa qua 21 ngày.

 Dịch Tả lợn châu Phi: Trong tháng 10, phát sinh 55 ổ dịch tại 21 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 813 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 457 ổ dịch tại 42 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị tiêu hủy là 17.221 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 61,13%, số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 68,88%. Hiện nay, cả nước có 115 ổ dịch thuộc 62 huyện của 24 tỉnh chưa qua 21 ngày.

– Dịch Viêm da nổi cục: Trong tháng 10, cả nước phát sinh 03 ổ dịch tại các tỉnh Đắk Lắk, Tiền Giang và 03 ổ dịch cũ ở tỉnh Lâm Đồng (có 27 con bò mắc bệnh). Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 99 ổ dịch tại 15 tỉnh; số gia súc mắc bệnh là 467 con, số gia súc tiêu hủy là 95 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 59,91%; số trâu, bò phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 79,12%. Hiện nay, cả nước có 8 ổ dịch tại các tỉnh Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Tiền Giang chưa qua 21 ngày.

tiêm phòng cho gia cầm

Thị trường chăn nuôi

Trên thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 12/2023 ở Chicago, Mỹ biến động giảm với mức giảm 14,025 UScent/lb xuống mức 66,175 UScent/lb. Giá thịt lợn giảm do lo ngại nền kinh tế toàn cầu chậm lại có thể ảnh hưởng đến nhu cầu thịt.

Tại thị trường trong nước, trong tháng 10/2023, giá lợn hơi trên cả nước biến động giảm. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 51.000 – 54.000 đồng/kg. Theo đó, lợn hơi tại Hưng Yên và Thái Bình đang được thu mua chung mức cao nhất là 54.000 đồng/kg. Các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nam, Hà Nội và Tuyên Quang hiện giao dịch trong khoảng 51.000 – 53.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên giảm 5.000 – 6.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 48.000 – 51.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Lâm Đồng và Ninh Thuận đang nằm trong khoảng 48.000 – 50.000 đồng/kg. Thanh Hóa đang giao dịch ở mức 51.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi giảm 3.000 – 4.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 48.000 – 53.000 đồng/kg. Theo đó, hai tỉnh Đồng Nai và Sóc Trăng đang giao dịch ở mức 49.000 đồng/kg và 52.000 đồng/kg. Kiên Giang, Trà Vinh và Bến Tre giá lợn hơi chung mốc 50.000 đồng/kg. Lợn hơi tại Hậu Giang và Vĩnh Long được thu mua tương ứng ở mức 51.000 đồng/kg và 52.000 đồng/kg.

Giá thu mua gà tại trại biến động trái chiều tại các vùng miền trong tháng 10/2023. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày tại miền Bắc giữ mức 62.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày tại miền Trung ở mức 60.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày tại miền Nam tăng ở mức 42.000 – 43.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp tại miền Trung và miền Nam tăng 3.000 đồng/kg lên 32.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Bắc giảm 1.000 đồng/kg xuống 35.000 đồng/kg.

Giá trứng gà tại miền Bắc giảm 200 đồng/quả xuống mức 2.100 – 2.300 đồng/quả. Giá trứng gà tại miền Trung giữ mức 2.200 – 2.500 đồng/quả. Giá trứng gà tại Đông Nam Bộ giảm 100 đồng/quả, hiện ở mức 2000 – 2.100 đồng/quả. Giá trứng gà tại Tây Nam Bộ giữ mức 2.000 – 2.100 đồng/quả.

Thị trường xuất khẩu

+ Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi:

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 10 năm 2023 ước đạt 40 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2023 đạt 402 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 113 triệu USD, tăng 26%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 123 triệu USD, tăng 36,4%.

Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu:

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc của cả nước trong 10 tháng năm 2023 đạt trên 1,01 tỷ USD,  tăng 6,5% so với 10 tháng năm 2022.

Riêng tháng 10/2023 đạt 117,64 triệu USD, tăng 15,1% so với tháng 9/2023 và tăng 31,9% so với tháng 10/2022.

Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Trung Quốc – thị trường lớn nhất, tháng 10/2023 tăng 31,4% so với tháng 9/2023 và tăng mạnh 89,6% so với tháng 10/2022, đạt 60,45 triệu USD, tính chung kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 10 tháng năm 2023 đạt 496,28 triệu USD, tăng 35,1% so với 10 tháng năm 2022, chiếm 49% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Campuchia – thị trường lớn thứ 2 trong 10 tháng năm 2023 tăng 2,3% so với cùng kỳ, đạt 143,1 triệu USD, chiếm 14,1% trong tổng kim ngạch; riêng tháng 10/2023 giảm 37,8% so với tháng 9/2023 và giảm 42,2% so với tháng 10/2022, đạt gần 10 triệu USD.

Thị trường Malaysia xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt 99,18 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ; riêng trong tháng 10/2023 tăng 13,1% so với tháng 9/2023 và tăng 37,7% so với tháng 10/2022, đạt 12,94 triệu USD.

Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường FTA-RCEP trong 10 tháng năm 2023 tăng 17,8% so với cùng kỳ, đạt 838,78 triệu USD, chiếm 82,9% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường CPTTP tăng 11,4% so với cùng kỳ, đạt 120,65 triệu USD, chiếm 11,9% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á tăng nhẹ 2,8% so với cùng kỳ, đạt 300,21 triệu USD, chiếm 29,7%.

Xuất khẩu thức ăn gia súc 10 tháng năm 2023

(Tính toán từ số liệu công bố ngày 14/11/2023 của TCHQ)ĐVT: USD

Xuất khẩu thức ăn gia súc 10 tháng năm 2023

Thị trường nhập khẩu

+ Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi:

Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 10 năm 2023 ước đạt 333 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2023 đạt 2,9 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 986 triệu USD, giảm 8,3%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,18 tỷ USD, giảm 2,8%.

+ Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu:

10 tháng năm 2023 nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt trên 4,27 tỷ USD, giảm 5,2% so với 10 tháng năm 2022.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 10/2023 tiếp tục tăng 7,5% so với tháng 9/2023 và tăng 12,6% so với tháng 10/2022, đạt 451,55 triệu USD. Tính chung trong 10 tháng năm 2023 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 4,27 tỷ USD, giảm 5,2% so với 10 tháng năm 2022.

Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Achentina, chiếm 28,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 1,21 tỷ USD, giảm 10,1% so với 10 tháng năm 2022; trong đó riêng tháng 10/2023 đạt 107,95 triệu USD, giảm 6,9% so với tháng 9/2023 nhưng tăng 26,3% so với tháng 10/2022.

Đứng thứ 2 là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 19,1%, đạt 816,21 triệu USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2022; riêng tháng 10/2023 nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 132,77 triệu USD, tăng 7,8% so với tháng 9/2023 và tăng 41,8% so với tháng 10/2022.

Tiếp đến thị trường Mỹ trong tháng 10/2023 nhập khẩu tăng 19,3% so với tháng 9/2023 nhưng giảm 8,2% so với tháng 10/2022, đạt gần 69,16 triệu USD; cộng chung cả 10 tháng năm 2023 nhập khẩu từ thị trường này tăng nhẹ 3,9% so với 10 tháng năm 2022; đạt 603,7 triệu USD, chiếm 14,1% trong tổng kim ngạch.

Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường Đông Nam Á trong 10 tháng năm 2023 giảm 15% so với 10 tháng năm 2022, đạt 261,04 triệu USD, chiếm 6,1%. Nhập khẩu từ thị trường EU giảm mạnh 43,8%, đạt 222,44 triệu USD, chiếm 5,2%.

Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 10 tháng năm 2023

(Theo số liệu công bố ngày 14/11/2023 của TCHQ)ĐVT: USD

Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 10 tháng năm 2023
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 10 tháng năm 2023

+ Nhập khẩu đậu tương:

10 tháng năm 2023 cả nước nhập khẩu trên 1,61 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 1,02 tỷ USD, giá trung bình 632,6 USD/tấn.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong tháng 10/2023 đạt 138.874 tấn, tương đương 83,81 triệu USD, giá trung bình 603,5 USD/tấn, tăng 43,2% về lượng và tăng 43,9% kim ngạch so với tháng 9/2023, giá tăng nhẹ 0,5%; so với tháng 10/2022 tăng nhẹ 4% về lượng nhưng giảm 7,9% về kim ngạch và giá giảm 11,5%.

Tính chung 10 tháng năm 2023 cả nước nhập khẩu trên 1,61 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 1,02 tỷ USD, giá trung bình 632,6 USD/tấn, tăng 5,2% về lượng, nhưng giảm 4,4% kim ngạch và giảm 9,1% về giá so với 10 tháng năm 2022.

Đậu tương nhập khẩu về Việt Nam từ thị trường Brazil nhiều nhất, trong tháng 10/2023 tăng mạnh trên 39% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 9/2023, giá tăng nhẹ 0,2%, đạt 92.929 tấn, tương đương 53,28 triệu USD, giá 573,4 USD/tấn; Tính chung, 10 tháng năm 2023 nhập khẩu đậu tương từ thị trường này đạt 895.240 tấn, tương đương 530,77 triệu USD, chiếm 55,6% trong tổng lượng và chiếm 52,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, giảm 3,2% về lượng, giảm 18% về kim ngạch, giá giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu đậu tương từ thị trường Mỹ – thị trường lớn thứ 2 trong 10 tháng năm 2023 đạt 552.284 tấn, tương đương 375,96 triệu USD, giá 680,7 USD/tấn, chiếm 34,3% trong tổng lượng và chiếm 36,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, tăng trên 16% cả về lượng và kim ngạch nhưng giá giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Canada 10 tháng năm 2023 đạt 90.553 tấn, tương đương trên 66,97 triệu USD, giá 739,6 USD/tấn, tăng trên 12% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước nhưng giá giảm nhẹ 0,1%. Nhập khẩu từ thị trường Campuchia đạt 3.564 tấn, tương đương 2,71 USD, giá 761,4 USD/tấn, giảm mạnh 69,4% về lượng và giảm 70,3% kim ngạch và giảm 2,7% về giá.

Nhập khẩu đậu tương 10 tháng năm 2023

(Tính toán theo số liệu công bố ngày 14/11/2023 của TCHQ)

Nhập khẩu đậu tương 10 tháng năm 2023

+ Nhập khẩu lúa mì:

10 tháng năm 2023 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt gần 3,74 triệu tấn, tương đương trên 1,29 tỷ USD, tăng 10,4% về khối lượng, nhưng giảm 1,1% về kim ngạch so với 10 tháng năm 2022.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2023 cả nước nhập khẩu 414.633 tấn lúa mì, tương đương 130,37 triệu USD, giá trung bình 314,4 USD/tấn, tăng 84% về lượng và tăng 88,4% kim ngạch so với tháng 9/2023 và giá tăng 2,4%. So với tháng 10/2022 cũng tăng 183% về lượng, tăng 108% kim ngạch nhưng giảm 26,5% giá.

Tính chung trong 10 tháng năm 2023 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt gần 3,74 triệu tấn, tương đương trên 1,29 tỷ USD, tăng 10,4% về khối lượng, nhưng giảm 1,1% về kim ngạch so với 10 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 345,5 USD/tấn, giảm 10,4%.

Trong tháng 10/2023 nhập khẩu lúa mì từ thị trường chủ đạo Australia tiếp tục giảm 12,9% về lượng và giảm 9,2% kim ngạch so với tháng 9/2023, nhưng giá tăng 4,2%, đạt 146.726 tấn, tương đương 47,21 triệu USD, giá 321,8 USD/tấn; so với tháng 10/2022 tăng mạnh 61,4% về lượng, tăng 21,8% kim ngạch nhưng giảm 24,5% về giá. Tính chung cả 10 tháng năm 2023, nhập khẩu lúa mì từ thị trường Australia chiếm 69% trong tổng lượng và chiếm 68,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt gần 2,58 triệu tấn, tương đương 881,14 triệu USD, giá trung bình 341,8 USD/tấn, tăng 3,6% về lượng, nhưng giảm 8,3% về kim ngạch và giảm 11,5% về giá so với 10 tháng năm 2022.

Đứng sau thị trường chủ đạo Australia là thị trường Mỹ chiếm 9,7% trong tổng lượng và chiếm 10,8% trong tổng kim ngạch, đạt 363.985 tấn, tương đương 138,9 triệu USD, giá trung bình 381,6 USD/tấn, tăng 48,7% về lượng, tăng 22,2% kim ngạch nhưng giảm 17,9% về giá so với 10 tháng năm 2022.

Tiếp đến thị trường Brazil đạt 261.611 tấn, tương đương 95,82 triệu USD, giá 366,3 USD/tấn, giảm 19% về lượng, giảm 14,9% kim ngạch nhưng tăng 5% về giá so với 10 tháng năm 2022, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.

Nhập khẩu lúa mì từ thị trường Canada đạt 180.473 tấn, tương đương 72,68 triệu USD, tăng mạnh 2.186% về khối lượng và tăng 1.816% về kim ngạch so với 10 tháng năm 2022.

Nhập khẩu lúa mì 10 tháng năm 2023

(Tính toán theo số liệu công bố ngày 14/11/2023 của TCHQ)

Nhập khẩu lúa mì 10 tháng năm 2023

+ Nhập khẩu ngô:

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 10 tháng năm 2023 đạt gần 7,75  triệu tấn, trị giá gần 2,36 tỷ USD, giá trung bình 304,6 USD/tấn, tăng 2,3% về lượng, nhưng giảm 11,3% kim ngạch và giảm 13,4% về giá so với 10 tháng năm 2022.

Trong đó, riêng tháng 10/2023 đạt 1,24 triệu tấn, tương đương 330,43 triệu USD, giá trung bình 266 USD/tấn, tăng 7% về lượng và tăng 3,9% kim ngạch so với tháng 9/2023, nhưng giá giảm 2,9%; so với tháng 10/2022 thì tăng mạnh 37,3% về lượng, tăng 12,3% về kim ngạch nhưng giảm 18,2% về giá.

Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam trong 10 tháng năm 2023, chiếm 38% trong tổng lượng và chiếm 37,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt 2,95 triệu tấn, tương đương trên 893,67 triệu USD, giá 303,4 USD/tấn, tăng mạnh 408% về lượng, tăng 365,4% kim ngạch nhưng giảm 8,4% về giá so với 10 tháng năm 2022.

Thị trường lớn thứ 2 là Achentina, trong 10 tháng năm 2023 đạt 2,95 triệu tấn, tương đương 884,82 triệu USD, giá 300,4 USD/tấn, chiếm trên 38% trong tổng lượng và chiếm 37,5% tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, giảm mạnh 41% về lượng, giảm 50% về kim ngạch và giá giảm 15% so với 10 tháng năm 2022.

Tiếp đến thị trường Ấn Độ 10 tháng năm 2023 đạt 1,18 triệu tấn, tương đương 366,1 triệu USD, giá 309,9 USD/tấn, chiếm trên trên 15% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng mạnh 74,2% về lượng, tăng 63,5% về kim ngạch, nhưng giá giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu ngô 10 tháng năm 2023

(Tính toán theo số liệu công bố ngày 14/11/2023 của TCHQ)

Nhập khẩu ngô 10 tháng năm 2023

Nguồn: channuoivietnam.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *