(Người Chăn Nuôi) – Tình trạng tiêm các loại thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ đang diễn ra rất phổ biến, chủ yếu tập trung ở các lò giết mổ lợn lậu.
Hiện nay, loại thuốc các lò giết mổ trái phép sử dụng thường là thuốc Combistress và Prozil. Khi lợn bị tiêm các loại thuốc này thường có dấu hiệu nằm ngủ li bì, không có bất cứ phản ứng nào khi bị tác động. Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên – Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành thú y (Chi cục Thú y TP.HCM) cho biết: Tình trạng tiêm các loại thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ rất phổ biến, chủ yếu tập trung ở các lò giết mổ lợn lậu. Không chỉ làm lợn nằm bất động không kêu la khi giết mổ, việc tiêm thuốc an thần còn khiến thịt lợn mềm, đẹp hơn trong việc chế biến chả lụa, buôn bán… nên đa số lò mổ lậu đều có xu hướng sử dụng loại thuốc này.
Rất khó xác định thịt có tiêm thuốc an thần hay không
Việc sử dụng các loại thuốc an thần tiêm cho động vật khá phổ biến chủ yếu là nhằm khống chế trường hợp động vật hung hăng, mệt mỏi trong quá trình vận chuyển (mua heo giống, chuyển trại…). Vì vậy, loại thuốc này không cho phép sử dụng trước khi giết mổ, nếu đã sử dụng phải có thời gian để thuốc đào thải hết (5 – 7 ngày sau khi tiêm). Thuốc an thần tồn tại trong gan, cơ, thận của động vật và được bài thải chậm. Do đó, động vật giết mổ sẽ tồn dư trong thịt một lượng thuốc an thần. Mặt khác, thuốc được sử dụng bừa bãi trước giết mổ nên liều lượng sử dụng có thể rất cao so với chỉ định. Hơn nữa, từ khi tiêm thuốc đến khi giết mổ thường dưới 24 giờ nên lượng tồn dư ở mức có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Theo TS Lê Thanh Hiền – Trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (ĐH Nông lâm TP.HCM) cho biết: Người sử dụng sản phẩm có chứa tồn dư thuốc an thần có thể dẫn tới các triệu chứng hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt… và nếu tương tác với các thuốc khác có thể làm tình trạng lâm sàng phức tạp hơn. Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận. Vì vậy.
Cũng thế TS Lê Thanh Hiền, rất khó xác định thịt có tiêm thuốc an thần hay không. Việc nhận định bằng cảm quan là không thể, ngoại trừ trường hợp xác nhận có vết tiêm. Một số xét nghiệm có thể phát hiện sự hiện diện của thuốc tồn dư trong thịt, nhưng đòi hỏi trang thiết bị phòng thí nghiệm và mất thời gian cũng như chi phí. Do đó trách nhiệm chính vẫn là cơ quan thú y trong việc giám sát kiểm tra, các biện pháp chế tài cụ thể. Cách duy nhất là người tiêu dùng nên tránh những nơi bán thịt không rõ nguồn gốc vì rất dễ bị tiêm thuốc. Ngoài ra, nên đa dạng các nguồn thực phẩm khác nhau để tránh sự tồn dư tích lũy trong cơ thể.