Tại thời điểm này, đàn lợn trên địa bàn tỉnh ước khoảng 155 ngàn con, tăng 6.600 con, tương ứng tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kiểm dịch, ngăn chặn xuất, nhập lợn trái phép được ngành chức năng quan tâm…
Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới, ông Văn Lập thông tin, từ ngày 1/8 đến nay, các lực lượng thú y phối hợp với ban ngành chức năng, các địa phương giáp ranh vùng biên giới tổ chức lập chốt chặn, kiểm soát xuất, nhập lợn trái phép sang Lào và ngược lại. Ngoài lập chốt tại các điểm “xung yếu”, lực lượng chức năng tổ chức tuần tra thường xuyên trên các tuyến đường mòn, lối dẫn từ các địa phương sang Lào. Các lực lượng kết hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành quy định, không buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trái phép. Từ ngày tổ chức lực lượng kiểm soát đến nay, trên địa bàn huyện A Lưới chưa phát hiện tình trạng xuất, nhập lợn trái phép sang Lào và ngược lại.
Mô hình chăn nuôi lợn an toàn ở vùng rú cát Quảng Điền
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự khẳng định, lâu nay chưa xảy ra tình trạng nhập lợn, sản phẩm từ lợn trái phép từ nơi khác về địa bàn tiêu thụ. Một lượng lớn gia súc, gia cầm nuôi một phần xuất bán ra các địa phương khác, một phần giết mổ phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại địa phương dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn không chủ quan, đang tích cực phối hợp tổ chức kiểm soát, giám sát chăn nuôi và tiêu thụ gia súc, không để xảy ra tình trạng xuất, nhập lợn, sản phẩm từ lợn trái phép.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xác nhận, ngành thú y cùng với các địa phương, ban ngành chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng xuất, nhập lợn, sản phẩm từ lợn sang nước khác trái phép. Trên các trục đường chính, lối mòn tại các địa phương vùng biên giới, giáp ranh với Lào được ngành chức năng lập chốt chặn, mỗi chốt từ 3-5 người gồm cán bộ thú y, công an, thị trường… Các phương tiện vận chuyển đi qua khu vực biên giới và qua các chốt bắc, nam, tuyến đường “xung yếu” đều được kiểm soát, giám sát chặt chẽ, kết hợp tuần tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp vi phạm.
Tại thời điểm này, đàn lợn trên địa bàn tỉnh ước khoảng 155 ngàn con, tăng 6.600 con, tương ứng tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đàn lợn tăng là do dịch tả lợn châu Phi không phát sinh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học tái đàn. Kế hoạch, hoạt động kiểm dịch được ngành thú y thực hiện đúng quy trình, kiểm dịch tận gốc, luôn thực hiện thông tin hai chiều nơi xuất và nơi nhập. Tính riêng từ đầu năm đến nay đã kiểm dịch xuất hơn 7.500 con lợn giống, 31 ngàn con lợn thịt; kiểm tra, giám sát việc nhập gần 152 ngàn con lợn thịt và 700 tấn sản phẩm động vật đông lạnh hợp pháp.
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép. Theo đó, đảm bảo không để xảy ra tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt ngăn chặn vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa phương qua các đường mòn, lối mở… với Lào. Khi phát hiện, bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển bất hợp pháp sẽ xử lý nghiêm, tiêu hủy theo quy định.
Tại Công văn số 8092/UBNN-NN của UBND tỉnh ngày 1/8 yêu cầu, các cơ quan, ban, ngành chức năng, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y Trung ương đóng tại địa phương và cơ quan thú y địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép. Ngành công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vi phạm vận chuyển, buôn bán lợn, động vật trái phép
Bài, ảnh: Hoàng Thế
Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế