Tổ nuôi chim bồ câu sinh sản ở thôn 4, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định hiện có 7 hộ thành viên tham gia. Việc thành lập tổ nghề nghiệp này giúp hội viên nông dân ở địa phương liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tạo sự gắn kết giữa các hội viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, tạo sự cạnh tranh hàng hóa ra thị trường. Qua gần 1 năm tổ đi vào hoạt động, đến nay các thành viên trong tổ đã có thu nhập khá.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, tổ trưởng tổ nghề nghiệp này, đồng thời cũng là người tiên phong nuôi chim bồ câu sinh sản ở địa phương, đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim bồ câu và làm chuồng trại trong vườn nhà, chọn mua giống chim bồ câu Pháp chính phẩm về nuôi. Hiện gia đình ông Hạnh nuôi 120 cặp chim bồ câu sinh sản. Sau gần 20 ngày nuôi, ông Hạnh xuất bán chim ra ràng lấy thịt và sau 45 ngày thì xuất bán chim giống. Với giá bán 200 nghìn đồng/cặp chim giống và 80.000 đồng/cặp chim ra ràng, ước tính sau một năm tham gia tổ, gia đình ông Hạnh đã lãi được 60 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Thịnh – thành viên tổ nuôi chim bồ câu sinh sản thôn 4, xã Bình Nghi – chăm sóc chim bồ câu Pháp. Ảnh: Đào Minh Trung
Cũng như ông Hạnh, anh Nguyễn Văn Thịnh – một thành viên tổ nuôi chim bồ câu sinh sản – hiện đang nuôi 130 cặp chim và đạt mức lãi 70 triệu đồng. "Điều đáng quý là các thành viên trong tổ đã biết phát huy tính cộng đồng trách nhiệm, liên kết cùng nhau sản xuất, chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ KHKT, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi. Ai cũng thừa nhận khi cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ lợi ích với nhau trong tổ, việc nuôi chim bồ câu tưởng khó khăn hóa ra lại rất thuận lợi, đặc biệt là ở khâu tiêu thụ sản phẩm", anh Thịnh phấn khởi chia sẻ.
Qua 6 năm thực hiện Đề án số 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp của nông dân, đến nay Hội Nông dân huyện Tây Sơn đã thành lập được 3 chi hội nghề nghiệp, 48 tổ hội nghề nghiệp và 10 tổ hợp tác trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng ở địa phương, giúp hội viên nông dân liên kết làm ăn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho họ trong sản xuất và đời sống.
Ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn, cho biết: Tổ hội nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản ở thôn 4, xã Bình Nghi là mô hình khẳng định được hiệu quả sớm nhất. Từ thành công này, một số người đã đặt vấn đề xin tham gia tổ, thậm chí thành lập mô hình tương tự.
Ðào Minh Trung
Nguồn: Báo Bình Định