Hỏi đáp: Một số bệnh hay gặp trên heo?

Câu hỏi 1: Đàn heo nái có biểu hiện sau khi ăn xong không chịu đi nằm mà cứ đứng hàng giờ, cong lưng như rặn ỉa, 2 hôm không đi ỉa, một số con ỉa phân dê (mấy hôm trước tôi có thay đổi thức ăn mới cho đàn heo), ngoài ra không sốt, chưa có hiện tượng gì khác. Xin hỏi nguyên nhân và cách phòng trị?

Trả lời:

Theo mô tả, đàn heo có thể bị táo bón. Vì vậy, cần điều trị sớm vì sẽ ảnh hưởng đến sinh sản của heo, nhất là giai đoạn heo đang mang thai, gần đẻ.

Trước hết, cần kiểm tra cho đàn heo uống nước đầy đủ, uống tự do hàng ngày. Tạm dừng không cho ăn loại cám mới, sử dụng cám cũ cho ăn mà không gây táo bón (vì có thể thức ăn mới không phù hợp với đàn heo, heo không kịp thích nghi). Kiểm tra định lượng thức ăn cho ăn hàng ngày theo đúng hướng dẫn trên bao bì. Bổ sung loại thức ăn có nhiều chất xơ hơn, tăng cường rau khoai lang giúp nhuận tràng tốt. Cho heo vận động hợp lý. Sử dụng thuốc chống táo bón, nhuận tràng cho heo. Kết hợp cho heo uống men tiêu hóa 10 – 15 ngày. Theo dõi chặt những ngày tiếp theo xem có các hiện tượng gì khác nữa không (sốt, bỏ ăn) để xử lý kịp thời.

 

Câu hỏi 2: Gia đình tôi có nuôi 5 ô chuồng heo với gần 100 con, vừa qua nhiều con có hiện tượng da mẩn đỏ, ngứa ngáy, hay cọ sát tường, rụng nhiều lông, lây lan sang các con khác. Xin hỏi nguyên nhân và cách phòng trị?

Trả lời:

Theo mô tả, heo có thể mắc bệnh ghẻ. Bệnh do một loài ngoại ký sinh trùng gây ra. Ký sinh trùng này lưu trú và phát triển trên da. Nếu heo nái bị nhiễm ghẻ sẽ lây sang heo con, heo bị chậm lớn, còi cọc và giảm sức đề kháng nên dễ nhiễm một số bệnh khác. Triệu chứng thông thường khi bị ghẻ thì trên bề mặt da của heo xuất hiện các nốt đỏ (tuy nhiên cần phân biệt với một số bệnh cũng có thể tạo ra các nốt đỏ trên da giống bệnh ghẻ trên heo như bệnh viêm da, nấm da, bệnh đậu heo, heo bị bỏng nắng và dị ứng với ánh sáng hay các bệnh truyền nhiễm…).

Điều trị khi heo đã mắc bệnh: Trước hết cần cách ly toàn bộ heo bị ghẻ. Tắm rửa sạch sẽ, khô ráo cho từng heo bệnh. Sử dụng thuốc tiêm có chứa thành phần Ivermectin (như Bivermectin 1%), liều dùng tùy thuộc khuyến cáo của nhà sản xuất (Ivemectin vừa có tác dụng trị ghẻ – ngoại ký sinh trùng, vừa có tác dụng trị nội ký sinh trùng như giun sán). Hoặc có thể bôi thuốc Sebacil®Pour-ontrên những vùng da heo bị ghẻ. Tăng sức đề kháng cho heo, bổ sung điện giải, vitamin, các nguyên tố vi lượng, các vi sinh vật có lợi để cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột…

Để phòng bệnh cho heo, cần dọn dẹp, vệ sinh chuồng nuôi thường xuyên để chuồng luôn khô và ấm. Phun sát trùng định kỳ 1 – 2 lần/tuần trong và ngoài trại. Định kỳ tiêm phòng theo lịch. Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt. Thường xuyên bổ sung các chất khoáng, vitamin, men tiêu hóa… nhằm nâng cao sức đề kháng cho toàn đàn.

 

Câu hỏi 3: Đàn heo nhà tôi có hiện tượng bị ho đã nửa tháng nay, ho nhiều vào ban đêm, đã dùng thuốc, sau vài ngày giảm, ho lại tái phát. Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp điều trị?

Trả lời:

Theo mô tả, heo có thể đã mắc bệnh viêm phổi, nhất là dịp thời tiết chuyển lạnh, giao mùa, cộng với sự xâm nhập của vi khuẩn trong không khí là điều kiện thuận lợi để bệnh viêm phổi phát sinh trên đàn heo. Heo nái đang mang thai bị bệnh này thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của heo con sau này.

Để điều trị bệnh, cần: Tiêm cho heo 1 trong các loại kháng sinh sau đây: Tiamulin 10% 1 ml/10 kg trọng lượng; Tilosin – 200 1 ml/20 kg trọng lượng. Tiêm mỗi ngày 1 lần, liên tục trong 3 – 5 ngày, nghỉ 3 ngày sau đó tiêm cho đến khi hết triệu chứng.

Bên cạnh đó cần bổ sung cho heo các loại thuốc bổ: B-Complex, Vitamin A, D, E, B1 để tăng cường sức đề kháng. Cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh gió lùa và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Thực hiện tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh cho heo.

 

 ThS. Nguyễn Ngọc Đức

Email: nguyenngocduc688@gmail.com

ĐT: 0916 695688

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *