Thu nhập khá nhờ “ăn cơm đứng”

Xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng dâu nuôi tằm, giúp các hội viên yên tâm gắn bó với nghề “ăn cơm đứng” này.

THT trồng dâu nuôi tằm xã Kiến Thành được thành lập từ tháng 7/2023, với 10 hộ gia đình tham gia. Đến nay tổng diện tích trồng dâu của THT phát triển trên 10 ha.

Theo đánh giá từ Hội Nông dân xã Kiến Thành thì đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập khá ổn định cho hội viên, nông dân.

trồng dâu nuôi tằm

Gia đình ông Nguyễn Hữu Hậu ở thôn 10, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) chuyển đổi vườn cà phê kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm mang lại thu nhập khá

Tham gia THT trồng dâu nuôi tằm, gia đình ông Hồ Thanh Bình ở thôn 7 đã có mức thu nhập khá. Từ diện tích tiêu bị bệnh, ông Bình chuyển đổi 7 sào sang trồng dâu. Với diện tích này, mỗi tháng ông nuôi 2 hộp tằm giống, sau khi trừ chi phí, gia đình có thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng/tháng.

Ông Bình cho biết: “Nuôi tằm không khó, bệnh tật ít, chủ yếu bảo đảm được nguồn thức ăn cho tằm thì mỗi tháng sẽ cho thu hoạch 2 lần. Từ hiệu quả kinh tế bước đầu, tôi dự tính sẽ mở rộng diện tích để tăng thêm thu nhập”.

Còn gia đình ông Nguyễn Hữu Hậu, ở thôn 10, xã Kiến Thành, đã trồng hơn 1ha dâu để nuôi tằm. Ông Hậu cho hay: “Khi đầu tư vào nuôi tằm, tôi được các cấp HND tạo điều kiện cho đi tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng dâu, nuôi tằm. Từ các lớp tập huấn, tôi được trang bị những kiến thức cơ bản về quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, nâng cao chất lượng kén tằm”.

Theo ông Hậu, hiện nay, gia đình mới tiếp cận với nghề nuôi tằm, nên mỗi tháng ông chỉ nuôi 2 lứa, với 3 hộp giống. Trung bình ông thu khoảng từ 40 – 45 kg kén/hộp, với giá 200.000 đồng/kg kén, mỗi tháng ông thu về trên dưới 20 triệu đồng.

Theo ông Dương Bỉnh, Tổ trưởng THT trồng dâu nuôi tằm xã Kiến Thành, nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Kiến Thành mới phát triển trong những năm gần đây.

Nông dân chủ yếu phát triển nhỏ lẻ, chưa kết nối được chuỗi giá trị sản phẩm. Chính vì vậy, Hội Nông dân xã đã chủ động thành lập THT để tạo điều kiện cho hội viên có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao tay nghề.

Bên cạnh đó, khi tham gia vào THT, mỗi thành viên được vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện. Ngoài ra, các thành viên còn tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý, bảo đảm được thu nhập của bà con.

Hiện nay giá kén ổn định ở mức cao, dao động từ 180 – 200 ngàn đồng/kg. Với mức giá này đã đem về lợi nhuận khá cho người trồng dâu, nuôi tằm. Đây là động lực để nông dân yên tâm gắn bó và tiếp tục mở rộng sản xuất”, ông Tôn Đức Bình, Chủ tịch Hội nông dân xã Kiến Thành cho biết.

trồng dâu nuôi tằm

Giá kén tằm ở mức cao, giúp người dân nâng cao thu nhập

Theo ông Bình, để giúp nghề nuôi tằm đạt hiệu quả, trong thời gian tới, chính quyền địa phương, các cấp hội nông dân tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ về khâu giống, chăm sóc và tiêu thụ, giúp hội viên, nông dân yên tâm mở rộng sản xuất.

Theo Hội Nông dân huyện Đắk R’lấp, những năm qua, các cấp hội đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả, phù hợp với nông hộ, vùng sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Trong đó, các mô hình kinh tế mang lại nhiều triển vọng như: Nuôi ruồi lính đen tại xã Kiến Thành, chăn nuôi bò lai sinh sản xã Nhân Đạo, trồng cà phê xen canh sầu riêng tại xã Hưng Bình…

Các mô hình này là kết quả từ việc phát huy nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giúp hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Văn Tâm

Nguồn: Báo Đắk Nông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *