Thịt nội khó bán, thịt nhập khẩu vẫn tăng mạnh

Sau đại dịch Covid-19 đến nay, ngành chăn nuôi thường gặp khó khăn vì thị trường tiêu thụ sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nghịch lý là nhập khẩu thịt vẫn tăng nhanh. Điều đáng báo động là thịt nhập giá rẻ, thiếu minh bạch về chất lượng đang tràn lan ngoài thị trường, không chỉ qua các kênh phân phối truyền thống mà được giao tận tay người tiêu dùng nhờ các kênh bán hàng online.

Người chăn nuôi kêu cứu không phải vì áp lực cạnh tranh do nhập khẩu thịt tăng nhanh mà nỗi lo lớn nhất là tình trạng thịt nhập giá siêu rẻ, có vấn đề về chất lượng đang tràn lan ngoài thị trường, giết dần ngành chăn nuôi.

Thịt đông lạnh nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường nội địa

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt gần 741 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 302,3 triệu USD. Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phảm từ thịt tại 56 thị trường trên thế giới với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 7,3% về giá trị so với năm trước đó.

thịt bán tại siêu thị

Đa dạng sản phẩm thịt nhập bán tại một siêu thị trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên

Có nhiều nguyên nhân thịt đông lạnh nhập khẩu chiếm lĩnh nhanh thị trường nội địa. Trước tiên là ở khâu sản xuất, ngành chăn nuôi của Việt Nam vẫn manh mún, nhỏ lẻ, từ con giống đến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều lệ thuộc vào thị trường nhập khẩu khiến giá thành chăn nuôi trong nước cao hơn nhiều so với mặt bằng thế giới. Đặc biệt, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), thịt nhập khẩu càng có lợi thế cạnh tranh về giá khi mức thuế về 0% thay vì 10 – 20% như trước.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cần có hàng rào kỹ thuật chặt chẽ để đảm bảo sân chơi công bằng, lành mạnh, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như việc nhập thịt cận đát, kém chất lượng cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi trong nước bằng giá rẻ. Ngoài ra, siết chặt hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi cũng là để bảo vệ chăn nuôi trong nước, hạn chế tối đa những sơ hở để dịch bệnh xâm nhập.

Ngay cả lợi thế lớn nhất của thịt nội là tâm lý, thói quen của người tiêu dùng thích sử dụng các loại thịt tươi (còn gọi là thịt nóng) cũng dần thay đổi. Sau đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân đã khác, họ bắt đầu chấp nhận thịt đông lạnh. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn làm cho người tiêu dùng tiết kiệm hơn và họ thường ưu tiên giá cả thay vì chất lượng sản phẩm. Đây cũng là nguyên nhân ngày nay thịt đông lạnh được phân phối rộng rãi đến tận tay người tiêu dùng từ kênh phân phối truyền thống đến các kênh bán hàng online.

Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình (TP.HCM) là đơn vị đầu tư chuỗi chăn nuôi khép kín từ hệ thống trang trại chăn nuôi heo, gà đến cơ sở giết mổ tại tỉnh Đồng Nai với hệ thống chuỗi phân phối các sản phẩm từ thịt cho các thị trường Đồng Nai, TP.HCM… Vài năm trở lại đây, doanh nghiệp đang giảm mạnh công suất chăn nuôi do sức tiêu thụ trên thị trường thời gian qua khá chậm.

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, đại diện Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình bày tỏ lo lắng, ngành chăn nuôi chưa bao giờ đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Một trong những khó khăn hàng đầu là thịt nhập đang phủ sóng thị trường, chiếm lĩnh từ phân khúc cao cấp đến bình dân. Thịt nội rất khó cạnh tranh vì giá thành chăn nuôi trong nước cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Nhưng điều đáng lo lắng nhất hiện nay là những sản phẩm thịt nhập gần hết hạn sử dụng đang phủ sóng trên thị trường nhờ lợi thế giá rẻ. Trong đó, các bếp ăn tập thể, bếp ăn công nhân trong các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành Đông Nam bộ luôn là thị trường giàu tiềm năng với thịt nhập khẩu.

 

Thịt nhập siêu rẻ giao tận nhà

Khảo sát trên thị trường, tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các quầy hàng thịt nhập phong phú, đa dạng hơn hẳn so với khu bán thịt nội. Trước đây, dòng sản phẩm thịt cao cấp, có thương hiệu chủ yếu được nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada… Tuy nhiên hiện nay, người tiêu dùng bình dân dễ dàng mua được thịt nhập từ các thị trường cao cấp trên vì có thêm dòng sản phẩm giá rẻ để lựa chọn. Tiêu biểu như thịt bò ở phân khúc giá trung bình, các loại thịt đùi bò, vai bò Australia, Mỹ chỉ có giá hơn 200 ngàn đồng/kg, rẻ hơn hẳn thịt bò nội địa.

Ngoài ra, các siêu thị thường xuyên có các chương trình khuyến mại, giảm giá cho các loại thịt nhập khẩu nên càng hấp dẫn người mua. Đặc biệt, các loại phụ phẩm như: xương, nội tạng, chân giò và các phụ phẩm khác của heo, trâu, bò, gà… từ các thị trường cao cấp trên ngày càng được nhập khẩu phổ biến, bán với giá rẻ hơn hàng trong nước.

thịt bò nhập

Thịt bò được rao bán đồng giá 130 ngàn đồng/kg trên online

Vài năm trở lại đây, thịt nhập được rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội với đủ mọi loại giá kèm các chương trình khuyến mãi, khách chỉ cần đặt hàng là được giao đến tận nhà. Lướt qua các kênh bán thịt online nhập khẩu, thịt heo nhập khẩu được bán tràn lan với mức giá chỉ bằng một nửa so với giá thịt nội. Thịt bò nhập khẩu lại càng đa dạng với đủ mọi mức giá. Trong đó, dòng sản phẩm giá rẻ được chào bán chỉ hơn 100 ngàn đồng/kg, thậm chí có trang chào giá dưới 100 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, các kênh bán hàng online này còn chạy nhiều chương trình khuyến mãi như bán thịt bò đồng giá, mua 1 tặng 1…

Tình trạng thịt nhập kém chất lượng, giá rẻ được bán trôi nổi, tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ: “Là người chăn nuôi, chúng tôi rất bức xúc vì các ngành kiểm soát rất chặt chẽ chăn nuôi trong nước; nhưng thịt nhập từ các nước về với lượng rất lớn, trong đó không thiếu những sản phẩm không tem, mác, xuất xứ bán chỉ vải chục ngàn đồng/kg. Thịt giá rẻ không kiểm soát đang giết dần người chăn nuôi”.

Theo ông Ngọc, hội nhập cùng một sân chơi thì không cấm được thịt nhập, vấn đề là phải kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc. Mong các ngành chức năng kiểm soát thịt nhập, nhất là các loại phế phụ phẩm như nội tạng đang được nhập về tràn lan gây tình trạng thị trường lẫn lộn giữa thịt sạch – thịt bẩn. Mong Nhà nước xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát sản phẩm thịt nhập khẩu. Tình trạng nhập từng container về không có bao bì, nhãn mác; chia ra các xe nhỏ vận chuyển để phân phối cho các bếp ăn nhờ lợi thế giá rẻ làm sụt giảm sức tiêu thụ mặt hàng thịt nóng trong nước.

Ở góc độ nhà phân phối, chủ Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Cẩm Tú (tại xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, thịt nội càng khó cạnh tranh về giá với thịt nhập. Đặc biệt, việc cung cấp thịt vào bếp ăn công nghiệp càng yếu thế. Cụ thể, với mặt hàng thịt heo, ngay cả thời điểm giá heo hơi đang giảm mạnh hiện nay, thịt heo nhập vẫn rẻ hơn cả chục ngàn đồng/kg so với thịt heo trong nước. Thịt nhập đang “phủ sóng” khắp thị trường, từ các hệ thống nhà hàng cao cấp đến quán ăn bình dân, từ bán lẻ đến bỏ sỉ cho các bếp ăn công nghiệp, tập thể.

Bình Nguyên

Nguồn: Báo Đồng Nai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *