Nuôi chồn hương phát triển kinh tế gia đình không lạ, nhưng thực hiện dự án giảm nghèo bằng việc hỗ trợ nuôi chồn hương cho hộ dân thì là chuyện mới và đang được Hội Nông dân phường Tân Thành, TP Cà Mau, tiên phong thực hiện.
Ông Phan Minh Thuý, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thành, chia sẻ: “Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, năm 2022, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) TP Cà Mau phân bổ cho phường Tân Thành 100 triệu đồng để xây dựng dự án phát triển kinh tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo trong 3 năm. UBND phường giao Hội Nông dân làm chủ dự án. Nhận thấy các hộ nghèo trên địa bàn phường hầu hết không đất sản xuất, do đó, mình phải xây dựng mô hình gì thật phù hợp, hiệu quả. Qua đi tham quan nhiều nơi, nhiều mô hình, cuối cùng chúng tôi chọn việc nuôi chồn hương để giúp các hộ giảm nghèo”.
Theo phân tích của ông Thuý, hiện nay chồn giống có giá mỗi cặp cả chục triệu đồng, chồn thương phẩm cũng hơn 1 triệu đồng/kg. Mỗi con chồn giống cái nuôi độ 10 tháng là phối giống được; 1 con đẻ từ 2 – 4 con/lứa và mỗi năm đẻ ít nhất 2 lứa. Chồn con sau 2 tháng là có thể xuất bán. Chồn thương phẩm nuôi độ 8 tháng có trọng lượng từ 2 – 3 kg, cung cấp được cho thị trường. Chi phí thức ăn không cao, việc chăm sóc cũng không đòi hỏi nhiều thời gian và nặng nhọc. Cái khó của hộ nghèo là không có tiền đầu tư con giống, cũng như chi phí chuồng trại, điều này giờ có dự án hỗ trợ.
Dự án hỗ trợ chồn giống và chuồng nuôi, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững (Trong ảnh, ông Phan Văn Thuý (người phía trong), Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thành và là chủ dự án, kết hợp Uỷ ban Mặt trận phường kiểm tra việc nuôi chồn của hộ bà Lê Thị Bực (người bìa ngoài)).
Từ nguồn vốn được phân bổ, Hội Nông dân phường đã xây dựng dự án nuôi chồn hương sinh sản và chồn thương phẩm cho 3 hộ (1 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo). Mỗi hộ được cấp 4 con chồn giống (3 cái và 1 đực), đồng thời được hỗ trợ 4 lồng nuôi, cùng thuốc thú y, tập huấn kỹ thuật nuôi… trị giá hơn 33 triệu đồng. Chủ hộ chịu trách nhiệm về mặt bằng, mái che, làm rào đảm bảo an ninh, nguồn thức ăn; đồng thời cam kết sẽ nuôi để sinh sản, không bán con bố mẹ khi chưa nhân đàn. Ðến cuối năm 2025 là kết thúc dự án, chủ hộ hoàn lại 20% giá trị hỗ trợ, tương đương hơn 6 triệu đồng để đầu tư cho hộ khác.
“Kế hoạch của dự án là năm 2022, nhưng do mới mẻ nên còn lúng túng, một số khâu gặp vướng mắc, mãi đến tháng 12/2023, 3 hộ dân mới nhận được con giống. Bước đầu thấy triển vọng nên Phòng LÐ-TB&XH thành phố đầu tư thêm cho phường Tân Thành hơn 355 triệu đồng để tiếp tục thực hiện dự án (dự án năm 2023) cho 11 hộ (2 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo và 3 hộ mới thoát nghèo). Qua 2 đợt phân phối, vào tháng 3 và tháng 4/2024, các hộ đã nhận đủ con giống”, ông Thuý cho biết.
Hộ anh Tạ Cỏn (39 tuổi), Khóm 6, thuộc diện cận nghèo, được xét hỗ trợ chồn đợt đầu tiên của dự án. Hiện nay chồn đã hơn 6 tháng tuổi, phát triển rất tốt. “Hồi giờ cũng không biết nuôi con chồn này, cũng không rành thị trường như thế nào, mình cứ làm theo hướng dẫn và cũng đặt nhiều hy vọng vào nó”, anh Cỏn bộc bạch.
Hộ anh Tạ Cỏn được xét cấp chồn nuôi từ dự án hơn 6 tháng trước, chồn đang phát triển rất tốt, gia đình rất kỳ vọng vào mô hình này.
Hộ bà Lê Thị Bực (50 tuổi), Khóm 2, cũng thuộc diện cận nghèo. Bà được xét hỗ trợ chồn giống từ dự án năm 2023. Công việc chính của bà trước nay là cân lác, lá dứa bán lại và đi hái rau đồng, đọt choại bán. Giờ được hỗ trợ nuôi chồn, bà vô cùng phấn khởi: “Mỗi ngày, 4 giờ sáng là tôi dậy vệ sinh chuồng, rồi cho chồn ăn, sau đó mới đi làm công việc của mình. Trưa về cũng vệ sinh, chiều lại vệ sinh và cho ăn. Thức ăn cho chồn không nhiều, mỗi ngày chỉ độ 20 ngàn đồng. Chồn phát triển khoẻ mạnh, thấy vui lắm”.
Vì đối tượng nuôi mới nên chủ dự án và chủ trại giống thường xuyên đi kiểm tra để có những hướng dẫn cụ thể cho các hộ. Không chỉ vậy, các hộ được cung cấp số điện thoại của chủ trang trại và chủ dự án, để khi cần sẽ liên hệ ngay.
“Nhìn chung, khi thực hiện dự án này, các hộ được xét hỗ trợ rất mừng. Bà con tích cực làm theo yêu cầu mình nêu ra, như chuẩn bị mặt bằng, làm mái che, bảo đảm an ninh… Khâu vệ sinh chuồng trại và chăm sóc được bà con làm rất tốt. Phường Tân Thành hiện còn 5 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo. Chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào việc giảm nghèo từ dự án này”, ông Thuý bày tỏ.
Mới đây, khi đi kiểm tra thực tế, ông Lê Thành Nơi, Trưởng phòng LÐ-TB&XH TP Cà Mau, nhận xét: “Dự án này bước đầu các hộ thực hiện thấy rất khả quan. Sau khi kết thúc dự án, chúng tôi sẽ có đánh giá cụ thể, nếu hiệu quả, sẽ nhân rộng ra nhiều xã, phường trong thành phố”./.
Huyền Anh
Nguồn: Báo Cà Mau